Nỗi lo lạm phát!

- Thứ Bảy, 06/08/2022, 06:19 - Chia sẻ

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước tháng 7 và 7 tháng năm 2022, Bộ Tài chính đã bày tỏ lo lắng về tình hình lạm phát.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,59% so với tháng 12.2021 - cao nhất từ năm 2018 tới nay. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Dù dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức khoảng 4%, các tổ chức quốc tế thì dự báo lạm phát năm 2022 của nước ta cũng chỉ ở mức 3,7-4,2% nhưng Bộ Tài chính vẫn nhấn mạnh đến rủi ro lạm phát.

Cụ thể, nước ta đang chịu sức ép cao về lạm phát do nền kinh tế có độ mở lớn, lạm phát ở các nước tăng cao nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là khá rõ ràng vì sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng từ giữa tháng 6 và bắt đầu tăng mạnh trong nửa cuối tháng 7 ở tất cả các kỳ hạn. Hiện lãi suất VND kỳ hạn qua đêm ngày 27.7 đã tăng lên 5,13%/năm. Nếu so với mức 0,3 - 0,4% duy trì vào trung tuần tháng 6, lãi suất VND qua đêm hiện đã gấp hơn 10 lần. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng tăng gấp 2 - 4 lần, trong khi lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đều tăng trên dưới 100 điểm cơ bản.

Không chỉ lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động bằng tiền đồng của các ngân hàng cũng có xu hướng tăng. Trong 7 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã tăng mức lãi suất huy động lên 7 - 7,55% năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Và theo dự báo của Bộ Tài chính, lãi suất huy động tiếp tục tăng trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng tăng cao...

Với những "dữ liệu" này, Bộ Tài chính nhận định, lạm phát là một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế nước ta cũng như thế giới trong năm 2022. Việc này, đương nhiên sẽ tạo áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng như kết quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Làm gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp.

Thực tế, từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá do những biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… cũng có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Đặc biệt, trong nửa cuối năm, khi các gói trong Chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt cũng ít nhiều gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19...

Do đó, cùng với việc lường trước nguy cơ, đánh giá, nắm bắt chính xác tình hình, điều quan trọng là phải có các phương án, kịch bản cụ thể để đối phó nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Ninh Hà