Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật!

- Thứ Tư, 10/08/2022, 06:03 - Chia sẻ

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm, việc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực ở các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hàng năm về chuyển đổi số.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã trên toàn quốc. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ...

Bên cạnh đó, nhờ phát triển kinh tế số, xã hội số, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số; thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã đạt mục tiêu đề ra như tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100%, đạt mục tiêu đề ra; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Những kết quả trên là đáng khích lệ, tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, cách đây gần 2 năm, hồi tháng 12.2020, tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số không phải phong trào đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mà là thay đổi tư duy. Ví dụ như không thể ứng dụng công nghệ thông tin nhưng các văn bản chỉ đạo vẫn phải được in ra, "ký tươi", đóng dấu rồi sau đó lại scan, chuyển thành dạng PDF, chuyển, gửi đi và đơn vị nhận sau đó ứng dụng AI để nhận dạng, bóc tách dữ liệu sang dạng văn bản. Hay như tình trạng cát cứ dữ liệu giữa các cơ quan, bộ ngành - xuất phát tư duy, nhận thức về chuyển đổi số dẫn đến việc khai thác và sử dụng dữ liệu gặp nhiều khó khăn.

Cũng vì những tồn tại này mà tại Phiên họp thứ Ba của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022, xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới diễn ra hôm 8.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm một lần nữa nhấn mạnh, phải liên tục đổi mới, có tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tránh tư duy “cát cứ" thông tin, số liệu, dữ liệu. Phải coi đây là tài sản quốc gia và tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
Và với những tồn tại, hạn chế hiện nay, điều đặc biệt quan trọng, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao. Các nền tảng nhiều, cơ sở dữ liệu lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp...

Phải thẳng thắn, chuyển đổi số không đơn thuần là số hóa dữ liệu, mà phải tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy hiệu quả ở mọi quy trình thực hiện. Đặc biệt, phải coi chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, ở đó, dữ liệu của các bộ, ngành là một bộ phận cấu thành nên dữ liệu quốc gia. Không thể có chuyện dữ liệu "anh", dữ liệu "tôi", không có dữ liệu chung, dữ liệu riêng mà chỉ còn một khối dữ liệu thống nhất và duy nhất của quốc gia. Bộ, ngành, doanh nghiệp nào cũng có thể truy cập tùy cấp độ để phục vụ lợi ích lớn nhất là lợi ích người dân, lợi ích của dân tộc, đất nước.

Ninh Hà