Mừng - lo thu ngân sách!

- Thứ Hai, 25/07/2022, 05:26 - Chia sẻ

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 941.300 tỷ đồng, tăng 228.300 tỷ đồng và bằng 66,7% dự toán.

Có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa có tiến độ thu khá so với dự toán, trong đó thu từ dầu thô là một trong những khoản thu tăng đột biến. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, với sản lượng khai thác 4,21 triệu tấn, giá dầu thô trung bình hơn 100 USD/thùng, cao hơn 40,4 USD/thùng so với dự toán đã khiến thu ngân sách đạt 35.421 tỷ đồng, vượt 125% dự toán.

Các nguồn thu khác cũng vượt dự toán như thu tiền sử dụng đất đạt 108.000 tỷ đồng, bằng 79% dự toán và tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021 cũng khiến thu ngân sách tăng cao.

Việc thu ngân sách tăng một mặt phản ánh nền kinh tế đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, mặt khác cũng cho thấy nỗ lực của ngành thuế. Như phân tích của một chuyên gia thì việc tích cực thực hiện số hóa ngoài tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đã giúp cơ quan thuế giảm thiểu các công việc, dành nhiều thời gian, lực lượng cho thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu, nộp thuế... Bên cạnh đó, các nguồn thu trước đây như mua bán chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh chứng khoán... chưa được chú trọng thì thời gian gian gần đây đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng.

Dù vậy cũng có ý kiến cho rằng, thu ngân sách tăng chưa hoàn toàn tích cực. Lý do là bởi có nhiều sắc thuế tính trên tỷ lệ phần trăm nên khi giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng thì số thu thuế cũng tăng theo. Cụ thể, một chuyên gia phân tích, tăng thu từ thuế một phần phản ánh giá cả hàng hóa tăng, ví dụ thời gian qua, giá xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, sắt, thép, vật liệu xây dựng... tăng khá mạnh. Các khoản thu từ xăng dầu, khai thác dầu thô, nhất là các loại thuế cũng tăng mạnh vì thu theo tỷ lệ giá trị hàng hóa, giá hàng hóa tăng thì thu thuế cũng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất của nền kinh tế tăng cao, tạo áp lực lạm phát.

Như vậy có thể thấy, việc thu ngân sách tăng cao có cả mừng, có cả lo. Mừng thì đã rõ. Còn lo là bởi về lâu dài thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách. Do đó, cái chính hiện nay không chỉ là thu thuế mà điều quan trọng là cần tiếp tục có các chính sách, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, từ đó nuôi dưỡng và có nguồn thu vững chắc.

Một vấn đề nữa cần phải làm rõ là việc tăng thu này có phải do xây dựng dự toán ở mức thấp hay không? Nếu đúng thì những con số tăng thu này không phản ánh đúng, đủ "sức khỏe" của doanh nghiệp cũng như của nền kinh tế. Do đó, cần đánh giá cụ thể tình hình quản lý thu và mức độ tăng trưởng, để thu ngân sách đạt kết quả tích cực và thực chất hơn.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thu chưa hẳn đã đáng mừng. Như ý kiến của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua là cần nhìn thực chất vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch? Đây là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của dịch Covid-19...

Ninh Hà