Tại hội nghị gặp Thủ tướng mới đây, nhiều doanh nghiệp than khó vay vốn để sản xuất kinh doanh vì ngân hàng không cấp khoản vay mới. Vấn đề này tiếp tục được Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng cải cách tư vấn thủ tục hành chính của Chính phủ đề cập trong bản kiến nghị vừa gửi lên Thủ tướng.
Sau cuộc khảo sát định kỳ với doanh nghiệp thuộc 16 tổ chức hiệp hội (đại diện nhóm sản xuất, dịch vụ và doanh nghiệp địa phương), Ban IV cho biết hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng khó vay vốn vì 3 nguyên nhân. Một là, quy mô doanh nghiệp hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản bảo đảm của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay. Hai là, dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn. Thứ ba, ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.
Thực tế thì cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cũng đang rơi vào thế khó khi tín dụng tăng trưởng mạnh và áp lực lạm phát liên tục gia tăng. Lũy kế từ đầu năm tới ngày 26.7, tín dụng đã tăng 9,42% trong khi trần của năm nay là 14%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đã tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021. Do đó, Ngân hàng Nhà nước buộc phải thận trọng khi nhằm đáp ứng yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Ban IV cho rằng, nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản bởi không có tiền trả lương cho người lao động và không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm Covid-19. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Nếu những doanh nghiệp này phá sản thì hậu quả còn nguy hiểm hơn lạm phát!
Vì thế, lúc này Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản. Tuy vậy, việc nới trần tín dụng không nên tiến hành đồng loạt để tránh tăng thêm áp lực lạm phát. Thay vào đó, những ngân hàng thực hiện tốt việc cho vay vào lĩnh vực ưu tiên thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét và nới sớm, đồng thời kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
Từ trước tới nay, Ngân hàng Nhà nước luôn nhấn mạnh tinh thần “chủ động, linh hoạt” khi nói về phương hướng điều hành chính sách tiền tệ của mình. Giờ là lúc Ngân hàng Nhà nước thể hiện thông điệp đó bằng hành động để khơi thông dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.