Đồng hành với doanh nghiệp vượt khó

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:04 - Chia sẻ

Vì một cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phát triển bền vững, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, tiếp thu tối đa các ý kiến của tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vượt qua khó khăn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp mang chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" sáng qua, 11.8.

Để nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành kịp thời từ phía Quốc hội và Chính phủ. Nhờ các chính sách hỗ trợ này, kinh tế nước ta đã phục hồi rất tích cực. Tính đến hết tháng 7.2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cũng cho thấy, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75 - 85% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Trong đó, đáng chú ý thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng gần 100% và 85%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hiệu ứng tích cực từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hồi phục tích cực là vậy, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó không ít doanh nghiệp đang gặp khó bởi nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất. Để góp phần tháo gỡ khó khăn này, trong Nghị quyết số: 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội quyết định hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi. Quyết đáp này của Quốc hội được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, được ví như “phao cứu sinh” để doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, ngày 20.5.2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP Về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, Nghị định nêu rõ, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là khách hàng phải có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá nội bộ của ngân hàng thương mại, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất. Quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có, vấn đề cần triển khai sớm chính sách này trên thực tế.

Đồng hành với doanh nghiệp vượt khó, ngoài việc khai thông “điểm nghẽn” về nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, rất cần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để. Trong đó có những khó khăn về pháp lý hoặc thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án bất động sản. Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Cùng với đó, có chính sách giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính “một cửa” nhưng vẫn “nhiều khóa”. Cần nhấn mạnh rằng, chính sách chỉ thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp khi được triển khai minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng.

Lê Hùng