Đồng bộ trong cải cách thể chế

- Thứ Hai, 25/04/2022, 05:01 - Chia sẻ
Một trong những nghịch lý được đề cập trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây là dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến pháp luật kinh doanh nhưng một số chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành có xu hướng gia tăng chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Điều này, như nhận định của Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, đã khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả. Dẫn chứng cụ thể cho nhận định này là báo cáo ghi nhận số đông cộng đồng doanh nghiệp đều đang kỳ vọng Nhà nước sớm bãi bỏ, sửa đổi các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2020.

Cùng với đó, bãi bỏ nhiều hơn nữa các quy định đang gây vướng cho doanh nghiệp như quy định yêu cầu lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo. Hay dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình và doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.

Một dẫn chứng nữa là Thông tư 60/2021/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá đưa ra yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối. Hay như trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, các quy định mới lại quy định điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo. Ngoài ra, còn có nhiều quy định hiện hành và một số đề xuất sửa đổi mới về pháp luật kinh doanh đang được lấy ý kiến hoàn thiện khiến nhiều ý kiến lo ngại sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Cần nhắc lại rằng, một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2022 là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Do đó, để không "ngược dòng" với các mục tiêu này cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện trong nhiều năm qua, điều quan trọng là phải khơi thông các điểm nghẽn về "dòng chảy" pháp luật kinh doanh và bảo đảm lưu thông cho các hoạt động kinh tế. Như ý kiến của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thì điều này đặt ra bài toán về sự đồng bộ trong hoạt động cải cách thể chế cũng như hiệu quả trong giám sát các chính sách về kinh doanh. Ngoài ra, cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại tác động cũng như có phản ứng chính sách kịp thời để tránh gây cản trở cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Không chỉ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid - 19 mới đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi mà trong bất kỳ thời điểm nào, đây cũng là yếu tố căn bản không thể thiếu.

Ninh Hà