Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Thuận và cây thanh long!

- Thứ Ba, 26/04/2022, 06:41 - Chia sẻ
Những ngày qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận tất bật gặp gỡ các hộ nông dân, hợp tác xã thanh long, các cơ sở chế biến… để nắm bắt tình hình trồng và tiêu thụ loại trái cây này. Sau giai đoạn khảo sát, các hoạt động hội thảo, thảo luận sẽ được tiếp tục để hướng tới tìm chính sách phù hợp cho loại cây nông sản chủ lực của tỉnh.

Nếu người viết không nhầm, đây là lần đầu tiên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tiến hành khảo sát về “cây trồng vua” ở xứ mình. Cuộc khảo sát diễn ra trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp ở nơi được mệnh danh là “thủ phủ thanh long của cả nước” với diện tích hơn 33,7 nghìn hecta vừa trải qua quãng thời gian vô cùng khốn đốn. Chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khiến nhiều nông sản, trong đó có trái thanh long, “hết đường tiêu thụ” và rớt giá kéo dài.

Ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện những container “giải cứu thanh long” giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Còn ngay tại vườn, thanh long Bình Thuận rơi vào tình trạng “vô giá”, tức là chẳng có người thu mua… Trong khi đó, ở khâu sản xuất, giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tiếp lập đỉnh mới khiến người trồng thanh long rơi vào cảnh “cháy nhà hai đầu”. Mấy ngày gần đây, thương lái lại báo giá thanh long lên 11 - 16.000 đồng/kg nhưng không mấy bà con có hàng bán bởi dịp này sản lượng thanh long chín còn rất ít!

Điệp khúc “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” không phải lần đầu tiên xảy ra với trái thanh long, nhưng có lẽ hậu quả lần này nặng nề nhất. Vì thế, nhiều nông dân bỏ mặc hoặc phá bỏ cây thanh long ngay cả khi chưa biết trồng cây gì tiếp theo! Số liệu của Cục Thống kê Bình Thuận cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, người dân đã chặt bỏ gần 1.000ha thanh long, bằng với diện tích bị chặt bỏ trong cả năm 2021. Còn theo thông tin lãnh đạo huyện Hàm Thuận Bắc cung cấp cho Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận hôm 19.4, riêng diện tích thanh long của huyện này đã giảm 1.790ha. Khó khăn tất nhiên không chỉ xảy đến với người trồng mà nhiều cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu đợt này cũng thiệt hại rất nặng nề!

Sau khi khảo sát thực tế, tới đây Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức hội thảo với sự tham dự của chuyên gia, chính quyền địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân cùng đánh giá thực trạng và tìm giải pháp nâng tầm sản phẩm thanh long Bình Thuận cũng như góp phần cải thiện đời sống cho người trồng. Những chuyển biến sau đợt khảo sát này còn phải đợi thời gian trả lời, nhưng cái được trước mắt và quan trọng không kém là người dân biết rằng đại biểu Quốc hội - những người đại diện của dân, đang “bây giờ và ở đây” với họ, quan tâm và gắn bó, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn, vất vả của họ.

Cuộc khảo sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng gợi mở suy nghĩ về hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương. Bên cạnh tổ chức giám sát, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật, tiếp xúc cử tri… thì những hoạt động gắn liền với mối quan tâm, mối lo, nỗi trăn trở của người dân địa phương cần được triển khai nhiều hơn, rộng hơn. Khảo sát, tham vấn trực tiếp, vào tận vườn thanh long gặp gỡ, trò chuyện với người trồng, người kinh doanh thay vì nghe qua các cuộc họp tại hội trường ủy ban, nhà cộng đồng hay qua báo cáo của cấp hành pháp - chắc chắn sẽ có nhiều thông tin hữu ích hơn, sát thực hơn. Giám sát chính sách hay thúc đẩy các sáng kiến chính sách vì vậy sẽ hiệu quả hơn và đáp ứng mong đợi trực tiếp hơn của cử tri sở tại.

Tất nhiên, khảo sát của Đoàn ĐBQH hay HĐND không phải để “làm thay” hay “giẫm chân” lên công việc của cơ quan nông nghiệp, công thương… hoặc rộng hơn là cơ quan hành pháp địa phương. Tách bạch vai trò, vận dụng đúng quy trình và trên hết là thực hiện chức trách với cái tâm “vì người dân địa phương mình” thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.

Hà Lan