Có tiền phải giải ngân được!

- Thứ Tư, 27/07/2022, 05:47 - Chia sẻ

Tại cuộc làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương, 2 địa phương mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã nhấn mạnh: phải quán triệt tinh thần “có tiền phải giải ngân được”!

Chưa bao giờ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công lại được Chính phủ đốc thúc “sát sạt” như thời điểm hiện nay. Không thể không đốc thúc tiến độ khi nền kinh tế sau đại dịch cần sớm thực hiện các giải pháp để phục hồi và phát triển, nhiều dự án rất cần tiền để triển khai, trong khi có những đơn vị tiền đã được bố trí nhưng vẫn chưa giải ngân được vốn kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ ước giải ngân 7 tháng năm 2022 đạt 34,47%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Có 36/51 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%, trong đó có 26 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%, trong đó có 1 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Vẫn biết rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công cần thời gian để thi công, tích luỹ khối lượng, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng mới có thể làm thủ tục thanh toán. Các dự án mới phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công. Và đặc thù của chi đầu tư công thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Tuy vậy, đến hết tháng 7 vẫn còn đơn vị chưa giải ngân là điều rất đáng lưu ý. Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ rơi vào tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Điều này có thể ảnh hưởng việc về đích đúng hạn giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch cũng như gây lãng phí nguồn vốn.

Trên diễn đàn Quốc hội không ít đại biểu Quốc hội cho rằng, chậm giải ngân vốn đầu tư công là tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế. Nhiều bộ ngành, địa phương cố lập kế hoạch để giành bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được. Và “điểm nghẽn” lớn nhất nằm ở khâu thực thi. Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng khác nữa là chưa xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, đơn vị gây nên tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm vì nguyên nhân chủ quan. Từ đó dẫn đến tâm lý, “làm cũng được, không làm cũng chẳng sao”!

Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước. Trong đó có nhiệm vụ kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn. Các dự án quan trọng quốc gia trước khi trình Quốc hội cần được chuẩn bị kỹ, đúng quy trình, bảo đảm khả thi, nhất là vấn đề huy động vốn và phải có ý kiến của Kiểm toán nhà nước. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở các cấp, ngành, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án. “Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công” - Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Trong các cuộc làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, coi giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, giải ngân vốn đầu tư công vừa phải bảo đảm đúng tiến độ, vừa nâng cao chất lượng.

Để “có tiền phải giải ngân được”, để nguồn vốn đầu tư công thực sự phát huy hiệu quả, rất cần cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công. Có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực hiện giải ngân nguồn vốn. Kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai. Cùng với đó, phân định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể. Từ đó mới có cơ chế xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị khi xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vì lý do chủ quan. Có như vậy, mới tránh được tình trạng “đủng đỉnh” giải ngân vốn đầu tư công. Không có lý do gì khi thể chế không vướng mắc mà có tiền vẫn không tiêu được!

Lê Hùng