“Chất lượng” quan trọng hơn “xong việc”

- Thứ Sáu, 09/09/2022, 05:55 - Chia sẻ

“Mặc dù thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ Tư cận kề rồi nhưng chúng ta không vội vàng thông qua một dự án luật khi chưa đáp ứng được nội dung của nó, chưa đáp ứng yêu cầu bức thiết hiện nay về hệ thống y tế cơ sở”. Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) khi phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Quan điểm này là yếu tố bảo đảm chất lượng cao nhất của dự thảo Luật và thể hiện rõ một Quốc hội trách nhiệm, chuyên nghiệp: Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ và chất lượng quan trọng hơn xong việc. 

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ Ba (tháng 5.2022) với sự quan tâm đặc biệt của đại biểu, bởi dự luật này sẽ tác động lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Từ sau Kỳ họp thứ Ba đến nay, Ủy ban Xã hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Trong quá trình này, nhiều nội dung đã được thống nhất; bên cạnh đó, một số vấn đề lớn, quan trọng vẫn còn ý kiến khác nhau. Trong phiên họp chiều qua, các nội dung này tiếp tục được các đại biểu Quốc hội chuyên trách quan tâm, thảo luận.

Ví dụ cơ chế tài chính y tế (cụ thể là xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…) hiện chưa được thiết kế thành một chương riêng trong dự thảo Luật mà nằm rải rác trong các điều khoản. Hơn nữa, một số nội dung không đúng hàm ý chính sách xã hội hóa, chưa giải quyết được những bất cập trong liên kết công - tư ở bệnh viện công bộc lộ rõ trong thời gian qua. Các đại biểu băn khoăn: như vậy dự thảo Luật liệu có đáp ứng được yêu cầu về quản lý và tự chủ tài chính trong bệnh viện và có bảo đảm tính công khai và minh bạch hay không?

Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh - nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế (trừ quân đội có trường đào tạo riêng và môi trường làm việc có tính đặc thù rõ ràng) hay giao cho các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) cũng chưa "ngã ngũ".

Vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa - nên quy định khung, mang tính nguyên tắc và giao Bộ Y tế quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hay phải quy định cụ thể, chi tiết bởi đây là phương thức khám chữa mới, là vấn đề lớn do liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, đồng thời có thể tác động đến hệ thống khám bệnh, chữa bệnh tuyến cơ sở khi áp dụng?

Bên cạnh việc một số nội dung lớn vẫn còn ý kiến khác nhau, ban soạn thảo đề xuất bổ sung một mục về thử nghiệm lâm sàng, đối với các kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và thiết bị y tế trước khi sử dụng đối với người bệnh. Đây là chính sách lớn, mới, chưa được Chính phủ đề xuất từ khi xây dựng dự án Luật cũng như chưa có trong dự thảo trình Quốc hội, chưa có tổng kết thực tiễn và báo cáo đánh giá tác động. Để bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, của dự thảo Luật, ban soạn thảo cần chuẩn bị các tài liệu cần thiết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Ngoài ra, một số nội dung của dự thảo Luật cần có sự kết nối, liên thông, phù hợp với các luật khác mà Chính phủ dự kiến sửa trong thời gian tới, đặc biệt là Luật Bảo hiểm y tế. Sẽ tốt hơn nếu có các cơ quan liên quan có thêm thời gian để xem xét sự tương thích giữa các luật này.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Bởi vậy, khi dự thảo luật chưa đáp ứng được yêu cầu thì không nên vội vã thông qua như ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét dự thảo Luật này theo quy trình 3 kỳ họp để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu sẽ có điều kiện xem xét thận trọng, kỹ lưỡng các vấn đề nhằm bảo đảm chất lượng, tính phù hợp thực tiễn và tính khả thi của dự thảo Luật.

Không vội vàng thông qua khi dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu chính là biểu hiện sinh động của một Quốc hội trách nhiệm và chuyên nghiệp: Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ và Quốc hội đặt chất lượng công việc lên đầu chứ không phải là xong việc.

Hà Lan