Chậm trễ do đâu?

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 07:20 - Chia sẻ

Dù triển khai từ năm 2015 và có nhiều tiện lợi cho cả người tham gia giao thông cũng như đơn vị quản lý, vận hành nhưng đến nay cả nước mới có 575 làn thu phí không dừng (ETC) tại 118 trạm thu phí, chiếm 70% tổng số làn cần lắp đặt ETC, tỷ lệ dán thẻ đạt 57% tổng số phương tiện.

Đến năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết 437 về việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ với thời hạn thực hiện là 2 năm. Sau đó, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí tự động không dừng. Ngày 29.2.2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1638 gửi Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đối với việc triển khai các dự án thu phí tự động không dừng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo tình hình triển khai dự án với Thủ tướng trước ngày 20.6.2019.

Tiếp đó, Thủ tướng ban hành Công điện 849 về đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, trong đó yêu cầu chậm nhất trước ngày 31.12.2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc; yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg.

Như vậy có thể nhận thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện thu phí không dừng, thế nhưng theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, vướng mắc lớn nhất tại các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 là doanh thu hoàn vốn cho dự án thu phí tự động không dừng ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng...

Cần nhắc lại rằng, khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra mốc thời hạn lần đầu tiên là phải hoàn thành vào ngày 31.12.2019, Bộ Giao thông Vận tải không có ý kiến - tức có thể hoàn thành đúng hẹn. Thế nhưng, vì không đánh giá đúng mức độ khó khăn, không lường trước được những trở ngại nên đã lỡ hẹn và thời hạn hoàn thành cũng không được đề cập đến. Lý do, ngoài những vấn đề đã nêu, theo Bộ Giao thông Vận tải còn do hệ thống khác nhau và do người dân chưa sẵn sàng. Có thể những lý do này là đúng nhưng chưa đầy đủ. Ví dụ như với lý do hệ thống khác nhau, việc này thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ hoàn toàn có thể chọn và quy định hệ thống đồng nhất cho các tuyến đường. Với lý do người dân chưa sẵn sàng, nếu hệ thống thu phí không dừng vận hành tốt, đem lại sự tiện lợi thì không có lý do gì người dân không sử dụng.

Chậm trễ trong triển khai thực hiện thu phí không dừng ngoài những lý do trên, còn có nguyên nhân khác chưa được nhắc tới là việc không thống nhất, thiếu minh bạch về lợi ích giữa nhà đầu tư BOT, đơn vị triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Cụ thể hơn, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội là dư luận nghi ngờ việc không áp dụng thu phí tự động do có sự che giấu nguồn thu. Thực tế thanh tra kiểm tra cũng đã phát hiện những trạm thu phí bằng tay đã không khai đúng nguồn thu như thực tế. Bởi vậy, điều quan trọng ở đây là các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ này, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, phòng,chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Ninh Hà