Cấp thiết đổi mới!
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2021, tổng số công chức cả nước, không tính lực lượng vũ trang là 230.000 người, trong đó Trung ương là hơn 99.000 người, địa phương là 130.000 người.
Khoảng 90% công chức có trình độ đại học và trên đại học, trong đó nữ chiếm 43%. Số viên chức là 1,7 triệu người, trong đó Trung ương 130.000 người, địa phương 1,6 triệu người; trình độ đại học trở lên là 80%. Công chức cấp xã khoảng 200.000 người, đại học trở lên trên 80%. Đến năm 2021, có 90% cán bộ công chức đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
Ở góc nhìn khác, thống kê của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ 1.1.2020 - 30.6.2022, có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc. Còn theo thống kê chưa đầy đủ, riêng ngành y tế cả nước giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 viên chức xin thôi việc, bỏ việc...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố là do thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì nền công vụ phải nhìn lại mình, phải cấp thiết đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ.
Thời gian qua, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như tinh giản biên chế, văn hóa công sở, nhiều địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút người tài… Dù vậy, nhiều nơi, nhiều chỗ việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Ví dụ như việc tinh giản biên chế còn theo kiểu “rượu cũ bình mới” giảm chỗ nọ lại tăng chỗ kia chứ chưa thực sự giảm số lượng công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Ý kiến khác thì cho rằng, nguyên nhân cơ bản khiến bộ máy nhà nước ngày càng cồng kềnh và nặng nề là do đầu vào, tức việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức dễ dàng trong khi đầu ra lại bị nhiều lực cản, trong khi đó, để định lượng được chất lượng công chức rất khó khăn.
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, có ý kiến cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức dù chuyển từ công sang tư hay tìm công việc khác cũng vẫn là những người lao động cống hiến trực tiếp cho nền kinh tế. Mặt khác, sự dịch chuyển này sẽ tạo sự cạnh tranh cho người lao động và cơ quan nhà nước. Với người lao động khi nghỉ việc nhà nước sẽ phải tìm kiếm động lực, phải "cải tiến" mình để phù hợp với nơi làm việc mới.
Về phía cơ quan nhà nước, sự cạnh tranh này đòi hỏi phải cải cách nhiều hơn nữa về môi trường làm việc, về công tác nhân sự, để môi trường nhà nước là nơi phù hợp với chuyên môn, với cá tính và phát huy được sự sáng tạo. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy khu vực tư đã đảm đương được nhiều nhiệm vụ mà Nhà nước đã và đang làm. Đặc biệt, khi cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân được thúc đẩy sẽ giúp cả hai cùng phát triển, từ đó xã hội được lợi.
Theo nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc thì với cơ chế hiện hành, nhân sự khu vực công dịch chuyển sang khu vực tư sẽ còn diễn ra. Đây là cảnh báo, là "chỉ dấu" để lãnh đạo, người làm chính sách phải suy nghĩ, nắm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp hiệu quả, trong đó trọng tâm vẫn là công cụ để đánh giá công việc của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Quan trọng hơn là để việc chuyển dịch lao động này trở thành bình thường trong nền kinh tế thị trường.