Sau cam kết của bộ trưởng

Hà An 16/11/2021 05:09

Chậm giải ngân vốn đầu tư công một lần nữa lại được “mổ xẻ” tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua. Tồn tại này vẫn “nóng” cho thấy, điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được giải quyết triệt để trong thời gian qua.

	Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Chính phủ, ước giải ngân vốn NSNN năm 2021 đạt 76% kế hoạch, không hoàn thành mục tiêu đặt ra (giải ngân 95%), trong đó vốn ngân sách trung ương năm 2021 chỉ đạt khoảng 65,1% kế hoạch. Điều đáng nói là, có 36/50 bộ, cơ quan trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó có 20 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%. Câu hỏi đặt ra là, vì sao có nơi giải ngân cao, có nơi lại chỉ đạt tỷ lệ dưới 20%? Sự khác biệt này do vướng mắc quy định pháp luật hay do triển khai thực hiện chưa “đến nơi đến chốn”?

Trên diễn đàn Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa diễn ra, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận về những tồn tại trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công.

Là "tư lệnh" ngành có tới 3 lần ngồi ở “ghế nóng” ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, chưa kể những lần “chia lửa”, giải trình tại các phiên họp khác liên quan đến nội dung này, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng “giải ngân đầu tư công là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm và được nêu nhiều lần tại các kỳ họp của cả Khóa XIV. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “các vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, tỷ lệ giải ngân của chúng ta vẫn rất thấp, đặc biệt là năm nay có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”.

Tồn tại cố hữu xuyên nhiệm kỳ về chậm giải ngân vốn đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến chuẩn bị dự án còn kém chất lượng, phê duyệt dự án chưa bảo đảm quy định. Một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt mang tính hình thức để được ghi kế hoạch vốn, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư. Việc phân bổ, giao dự toán chậm, nhiều lần vẫn chưa được khắc phục.

Rõ ràng, cùng một cơ chế, chính sách, cùng một khung khổ pháp lý, nhưng giữa các địa phương tỷ lệ giải ngân khoảng cách khá xa nhau. Điều này không thể nói vướng do thể chế, quy định pháp luật mà nằm ở khâu thực thi. Thực tế cho thấy, việc chấp hành pháp luật đầu tư công còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chủ động, tích cực trong việc thực hiện. Trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kế hoạch đầu tư công chưa rõ, chế tài xử lý đối với trường hợp giải ngân chậm chưa nghiêm…

Những tồn tại, hạn chế này không mới. Đây là những vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội. Nhưng đến nay vẫn chậm được xem xét, xử lý và khắc phục, dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn tái diễn hàng năm.

Là cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ về lĩnh vực đầu tư công, những tồn tại trong lĩnh vực này ngoài các yếu tố khách quan, có trách nhiệm của địa phương, bộ ngành có liên quan, không thể không nói đến một phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để xảy ra tình trạng đề xuất được vốn rất lớn nhưng trên thực tế không giải ngân được, diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng xin nhận một phần trách nhiệm trong rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành và các địa phương trình lên bởi còn “nể nang”, “không hết trách nhiệm”. “Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này trong thời gian tới” - Bộ trưởng cam kết trước Quốc hội.

Thẳng thắn nhận trách nhiệm và cam kết hành động của "tư lệnh" ngành là một nét đẹp trong văn hóa nghị trường. Cử tri, đại biểu Quốc hội và Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” của Bộ trưởng. Tuy nhiên, điều mà cử tri và Nhân dân mong đợi, đó là cam kết trước Quốc hội của Bộ trưởng được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể. Theo đó, với những dự án tiến độ giải ngân thấp, khẩn trương điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng thiếu vốn. Ưu tiên điều chuyển vốn cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, có chế tài và xử lý nghiêm với người đứng đầu để xảy ra tình trạng giải ngân chậm.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc giải ngân phải bảo đảm tính hợp lý, khả thi. Không gây sức ép giải ngân bằng mọi giá, bởi nếu giải ngân “nóng vội” sẽ “lợi bất cập hại”, ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sau cam kết của bộ trưởng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO