Minh bạch thị trường vốn

- Thứ Bảy, 23/04/2022, 05:47 - Chia sẻ
Những sai phạm chỉ là thiểu số, việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững chiều qua, 22.4.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015; trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP. Những “điểm sáng” không thể phủ nhận này của thị trường vốn đã đóng góp không nhỏ đối với phát triển nền kinh tế nước ta thời gian qua. Bên cạnh những kết quả tích cực, một số cá nhân đã cố tình vi phạm quy định pháp luật khi phát hành trái phiếu ra đại chúng dẫn đến các lượt phát hành trái phiếu phải bị hủy bỏ. Trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, nhiều cá nhân đã bị khởi tố để điều tra.

Dù các trường hợp vi phạm trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán những ngày qua. Không ít nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi sự “rung lắc” tạm thời của thị trường này. Và điều đó cũng cho thấy, ngoài việc các doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định pháp luật khi tham gia thị trường thì công tác quản lý, thanh tra, giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Việc để xảy ra phát hành trái phiếu không đúng quy định, thao túng thị trường chứng khoán đã để lại nhiều hệ lụy, tạo nên sự thiếu minh bạch của thị trường, tác động đến tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Sâu xa hơn ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, rủi ro cho thị trường vốn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.   

Trên diễn đàn Quốc hội, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Đại biểu đặt vấn đề có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp, “bong bóng” là chứng khoán, bất động sản? Việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao, do đó Chính phủ cần đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này - ĐB Thơ nêu kiến nghị.

Sự tăng trưởng “bong bóng” hay quá “nóng” của bất kỳ lĩnh vực nào sẽ luôn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, và ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Do đó cần có giải pháp hữu hiệu để ổn định thị trường vốn.

Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025, Quốc hội yêu cầu, cơ cấu lại và phát triển thị trường chứng khoán; mở rộng năng lực thị trường vốn; nâng cao tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thúc đẩy phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực quản lý, giám sát rủi ro hệ thống.

Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần sớm có giải pháp để tăng sự minh bạch của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu. Muốn vậy, rất cần xếp hạng tín dụng của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan giao trách nhiệm kiểm soát thị trường này. Sớm xây dựng hệ thống công cụ kiểm soát không dùng tiền mặt hiện đại, thông qua hệ thống ngân hàng để biết được quá trình di chuyển của dòng tiền, qua đó kiểm soát được việc sử dụng nguồn tiền có đúng mục đích hay không. Đặc biệt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gây lũng đoạn thị trường cũng như trách nhiệm của cơ quan được giao quản lý, giám sát lĩnh vực này. Đó cũng chính là bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Lê Hùng