Khó khăn giải phóng mặt bằng

- Thứ Sáu, 06/05/2022, 06:06 - Chia sẻ
Trong các báo cáo đánh giá về những khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, thì nguyên nhân giải phóng mặt bằng luôn ở vị trí số một. Công tác giải phóng mặt bằng là rất phức tạp, có nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án đầu tư công. Điều này, dẫn đến dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ điều này tại Tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng - động lực cho phát triển bứt phá”.

Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với ông Phương về nhận định này, bởi không ít dự án đầu tư công “lỡ hẹn” về đích là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trong nhiều kỳ họp của Quốc hội đã từng “nóng” lên thực trạng này.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lỡ hẹn” này là dự án bị “vướng” trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã từng thẳng thắn cho rằng, đền bù giải phóng mặt bằng là “điểm nghẽn” lớn nhất trong triển khai các dự án.

Nói là “điểm nghẽn” bởi việc thực hiện giải phóng mặt bằng thông qua thỏa thuận với người dân, nhưng trong nhiều trường hợp sự “thỏa thuận” dường như không đạt được. Tâm lý chung của người có đất bị thu hồi thường mong muốn được đền bù cao, trong khi đó, giá đền bù buộc tuân theo quy định. Đó là lý do không ít khiếu nại của người dân từ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đã xảy ra thời gian qua.  

Là “điểm mấu chốt về tiến độ dự án”, làm tốt khâu giải phóng mặt bằng sẽ góp phần giúp dự án đúng tiến độ. Điều này cũng đồng nghĩa với đồng vốn đầu tư công sớm phát huy được hiệu quả. Tiếc rằng, có không ít dự án, công trình ngổn ngang hàng năm trời chỉ vì chưa có mặt bằng “sạch” để triển khai. Dự án đang thực hiện phải dừng lại chỉ vì chưa nhận được sự đồng thuận của một vài hộ dân bị thu hồi đất. Thời gian chờ đợi để giải phóng xong mặt bằng nhiều hơn thời gian thực hiện dự án không còn là chuyện hiếm gặp.

Việc ách tắc trong giải phóng mặt bằng để lại rất nhiều hệ lụy, làm chậm tiến độ dự án, gây thiệt hại không chỉ cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công mà còn thiệt hại cho cả người dân nơi thi công dự án.

Do đó, để các dự án đầu tư công đúng tiến độ, một trong những vấn đề cần quan tâm là phải giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng. Muốn vậy, công tác đền bù, thu hồi đất phải thỏa đáng bảo đảm quyền lợi của người dân. Xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, bảo đảm cuộc sống của người dân tốt hơn sau khi bị thu hồi đất. Với những dự án trọng điểm quốc gia, cần tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư. Có như vậy, mới làm rõ được trách nhiệm về chậm giải ngân là do tiến độ đầu tư hay do khâu giải phóng mặt bằng.

Trong Nghị quyết của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình... Việc Quốc hội cho phép áp dụng chính sách đặc thù thông qua cơ chế chỉ định thầu nhằm tạo sự chủ động cho người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, rút gắn thời gian thực hiện dự án.

Quyền gắn liền với trách nhiệm. Do đó, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các dự án phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và phải chịu sự giám sát trong quá trình thực thi. Theo đó, phát huy hiệu quả công tác giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và phát huy hiệu quả công tác kiểm toán đối với chủ thể được áp dụng cơ chế đặc thù này. Có như vậy, việc xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mới bảo đảm minh bạch, đúng tiến độ và hiệu quả.  

Lê Hùng