“Hoa hồng” và bản án!

- Thứ Tư, 27/04/2022, 04:09 - Chia sẻ
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã công bố các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định Đỗ Đức Lưu và 4 cán bộ của Trung tâm này về Tội vi phạm quy định trong đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Tội tham ô tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu cho biết, trong năm 2020, 2021, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng mua kit test xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Công ty cổ phần Việt Á đã “trích %” ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test cho CDC Nam Định với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng và nhân viên CDC Nam Định đã có hành vi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước “bán” cho Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng. Bước đầu các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội. Các cá nhân đã nhận 1,25 tỷ đồng “lại quả” từ việc thực hiện các hợp đồng mua bán sinh phẩm y tế này.

Con số cá nhân bị khởi tố, bắt giam liên quan đến những vi phạm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sẽ tiếp tục tăng lên bởi vụ án vẫn đang trong diện mở rộng điều tra. Nhiều “khoảng mờ” trong mua sắm sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch ở thời kỳ cao điểm sẽ dần được sáng tỏ. Cho đến lúc này, dù chưa có con số thống kê một cách đầy đủ về những khoản “hoa hồng” lót tay cho các đối tượng đã tiếp tay cho việc nâng khống giá thiết bị nhưng chắc rằng, với số “hoa hồng” hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng từ những hợp đồng được biến hóa để lại hệ lụy không nhỏ. Đó là một phần nguồn lực phòng, chống dịch của Nhà nước bị thất thoát, tiền ngân sách nhà nước chảy vào túi cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân nhất là trong điều kiện cả nước đang chung tay, tiết kiệm từng đồng cho công tác phòng, chống dịch.

Thực tế cho thấy, khi quản lý bị buông lỏng thì những khoản “lót tay” đã không còn là lạ mà trở thành quy định ngầm trong một số giao dịch, hay một số hợp đồng ký kết. Không ít trường hợp, được việc hay không, tiến độ công việc nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào những khoản “bôi trơn” này. Hàng loạt vụ tiêu cực với những khoản tiền lót tay, đưa và nhận hối lộ lên tới hàng tỷ đồng thời gian qua được phanh phui. Không chỉ là những thương vụ kit xét nghiệm Covid-19, việc đưa đồng bào trở về từ vùng dịch cũng bị một số đối tượng lợi dụng để hưởng lợi bất chính. Vụ án xảy ra đối với một số cá nhân công tác ở Bộ Ngoại giao gần đây là một bài học đau lòng. Điều đó cho thấy, tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.

Để xảy ra những sai phạm này, một phần do công tác quản lý của chúng ta còn buông lỏng, kiểm tra nội bộ chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, do các cán bộ, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương biểu hiện suy thoái, biến chất, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi ích trước mắt, bỏ qua lợi ích nhân dân, của cộng đồng.

Thực trạng này một lần nữa được Bộ Chính trị chỉ rõ trong Kết luận số 34-KL/TW về chiến lược kiểm tra, giám sát đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị nhận định tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.

Khi môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch thì doanh nghiệp “đi đêm”, chi lót tay hàng chục tỷ đồng cho những cán bộ suy thoái thông qua các hợp đồng có tính chất mờ ám là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cán bộ, công chức có đủ bản lĩnh để từ chối, để cưỡng lại lòng tham hay không?

Để không mất cán bộ, để ngân sách nhà nước không bị thất thoát, điều quan trọng phải nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Muốn vậy, mỗi cán bộ cần thực hiện tốt quy định về nêu gương, liêm chính. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị phải phát huy hiệu quả công tác tự kiểm tra nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực, vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, vi phạm pháp luật.

Cá nhân vi phạm pháp luật sẽ phải chịu bản án nghiêm khắc, điều này là cần thiết, nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng. Điều quan trọng là thực hiện tốt biện pháp phòng ngừa bằng chính các quy định pháp luật. Đặc biệt, mỗi cá nhân, cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức một điều rằng, “hoa hồng” từ trục lợi và bản án thường song hành cùng nhau.

Lê Hùng