Chính sách đất đai cần được sửa đổi toàn diện

- Thứ Năm, 05/05/2022, 05:32 - Chia sẻ

Khai mạc sáng qua và dự kiến kéo dài 7 ngày, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII sẽ thảo luận và quyết định về những vấn đề hết sức quan trọng với sự phát triển của đất nước; trong đó có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc tới câu nói của Karl Marx rằng: "Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất". Theo đó, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của Nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước.

Tuy vậy, cho đến nay, đất đai chưa thực sự trở thành một trong những nguồn lực chính để phát triển đất nước, thể hiện ở chỗ sử dụng đất đai còn lãng phí, hạn chế trong quy hoạch sử dụng đất và yếu kém trong công tác quản lý nhà nước. Tiêu cực, sai phạm đang có mặt ở hầu hết tiến trình thực thi quyền lực đối với đất đai và ở khắp các địa phương, mà phổ biến hơn cả là trong thu hồi và giao đất, điển hình như vụ việc Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm... Trong khi những lỗ hổng đến từ hệ thống pháp luật đất đai chưa hoàn thiện vừa tạo môi trường cho tham nhũng, vừa làm thất thoát tài sản nhà nước; thì những mâu thuẫn, tranh chấp trong quá trình chuyển đổi quyền sử dụng đất đã và đang làm xấu đi mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền. 

Hàng loạt vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra và yêu cầu hội nghị tập trung làm rõ. Đó là, vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn? Và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?...

Đây đều là những câu hỏi khó nhưng buộc phải tìm ra câu trả lời đúng và đầy đủ để từ đó đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai.

Các sai phạm liên quan đến đất đai cũng như các cơn sốt đất thời gian qua cho thấy đây là vấn đề chính sách đặc biệt phức tạp. Do đó, thể chế, chính sách đất đai phải được sửa đổi toàn diện - từ chính sách thuế tài sản liên quan đến bất động sản, chính sách thu hồi quyền sử dụng đất… chứ không chỉ dừng lại ở sửa Luật Đất đai. Có như vậy mới tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện nay. Có như vậy mới xử lý được những vấn đề "phần ngọn" như sốt đất, sai phạm đấu giá, tham nhũng liên quan đến đất đai... Và có như vậy mới bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước - người dân - nhà đầu tư; mới làm cho đất đai trở thành nguồn lực thực sự cho sự phát triển chung, bền vững của đất nước.

Cẩm Phô