Những "bóng ma" ngoài Covid-19

- Chủ Nhật, 23/05/2021, 07:07 - Chia sẻ
Bên cạnh việc làm lung lay nền tảng của các chính sách và thực tiễn bầu cử đã được củng cố trong nhiều thập kỷ buộc chúng phải thích ứng và thay đổi, đại dịch cũng làm sáng tỏ những thách thức mới mà các cơ quan quản lý bầu cử nên lường trước trong việc quản lý các cuộc bầu cử trong tương lai.

Có một điều chắc chắn rằng, cuộc khủng hoảng Covid-19 không phải là duy nhất. Sau khi cuộc khủng hoảng này qua đi, thế giới sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác: thiên tai hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt; sự can thiệp có hại của nước ngoài vào các cuộc bầu cử dân chủ; các mối đe dọa khủng bố; nguy cơ vỡ mộng chính trị lan rộng có thể dẫn đến sự thờ ơ của cử tri…

Mặc dù các tình huống khẩn cấp hoặc những thách thức trong tương lai rất khó có thể lường trước, nhưng các Cơ quan quản lý bầu cử (EMB) có thể nâng cao khả năng ứng phó hoặc giải quyết chúng, hoặc ít nhất là giảm thiểu tác động của chúng thông qua việc xây dựng các kế hoạch quản lý rủi ro và khẩn cấp hiệu quả, từ đó giúp hoạt động điều hành các cuộc bầu cử không bị lúng túng hay gián đoạn.

Một trong những thách thức khác đó là làm sao duy trì những tiến bộ và đổi mới đã được áp dụng cho các kỳ bầu cử trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã buộc các nước phải nhìn nhận và áp dụng một mô hình quản lý bầu cử mới, thích ứng hơn, mà trước đây một năm chưa hề tồn tại. Để đối phó với những thách thức do đại dịch gây ra, các EMB được khuyến khích hướng tới các tiêu chuẩn hoạt động cao hơn để bảo vệ lợi ích cho tất cả những người tham gia bầu cử: không chỉ phải bảo đảm an toàn công cộng mạnh mẽ hơn mà bản thân các EMB phải chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn, chứng tỏ được tinh thần phục vụ, tính hiệu quả về mặt hành chính, thủ tục và hoạt động. Tuy nhiên, một số tiến bộ và đổi mới về luật pháp, quy định và thủ tục có thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên một khi đại dịch được khống chế và thế giới bình thường trở lại. Do đó, việc áp dụng những tiến bộ đạt được trong quản lý bầu cử giai đoạn này có thể khó duy trì lâu dài so với sự ra đời nhanh chóng của những quy định bầu cử mới như một cách phản ứng duy nhất để đối phó với tình huống khẩn cấp của đại dịch. Điều quan trọng là mỗi quốc gia cần suy nghĩ nghiêm túc về việc đưa ra những khuôn khổ pháp lý để những biện pháp hiệu quả đã từng áp dụng trong đại dịch có thể trở thành những quy định lâu dài.

Bên cạnh đó, rất nhiều thách thức khác có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng vào quá trình bầu cử trong tương lai: chủ nghĩa dân túy, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc mới, tình trạng phân cực chính trị, sự can thiệp của nước ngoài vào các cuộc bầu cử có chủ quyền và sự lan truyền của thông tin sai lệch… Tất cả những yếu tố có thể làm xói mòn sự tin tưởng của công chúng và các bên liên quan vào hoạt động quản lý bầu cử độc lập, minh bạch và có trách nhiệm trong các chu kỳ bầu cử trong tương lai. Điều đó càng gây áp lực buộc các EMB phải đáp ứng kỳ vọng của công chúng và yêu cầu của các bên liên quan đối với việc quản lý các cuộc bầu cử trong tương lai không có sai sót, minh bạch, hiện đại và hiệu quả.

Ngoài ra, sự vận động không ngừng của xã hội, khủng hoảng kinh tế và tăng trưởng nhân khẩu học sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến bầu cử, bao gồm số lượng người tham gia bỏ phiếu. Có thể dự đoán, sự tăng trưởng dân số ổn định và quy mô lớn sẽ tiếp tục làm gia tăng dòng di cư và sự di chuyển của người dân trong và giữa các quốc gia và khu vực, củng cố nhu cầu bầu cử rộng rãi hơn của một số nhóm dễ bị tổn thương vẫn bị tước quyền bầu cử. Bởi trên thực tế, không phải tất cả các quốc gia, tiểu bang và vùng lãnh thổ đều nỗ lực áp dụng các biện pháp để thu hút một lượng lớn cử tri đang di chuyển trên toàn cầu. Đây cũng là thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý bầu cử để bảo đảm các cuộc bỏ phiếu có sự tham gia của cử tri một cách toàn diện nhất.

Đạt Quốc