Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Thị Thu Nguyệt, hiện Gia Lai đang có sự phát triển không đồng đều giữa các huyện, xã, nhiều nơi đất rộng người thưa, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, việc tiếp cận công nghệ tiên tiến còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao, kết cấu hạ tầng thương mại quy mô nhỏ nên hoạt động giao lưu hàng hóa tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa sôi động. Mặt khác, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại cho các xã vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, việc ban hành và thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực trong tỉnh và với các vùng miền khác, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng.
Những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị xây dựng được một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các huyện miền núi như: Krông Pa, Đak Pơ, Chư Pưh và Đak Đoa; triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ đa dạng hóa các chương trình, dự án, một số loại hình hạ tầng thương mại đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại được nâng lên, những người trực tiếp kinh doanh cũng từng bước tiếp cận kiến thức, nắm bắt kịp xu hướng và những đòi hỏi về kỹ năng phát triển thương mại để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, Sở còn tăng cường kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, chương trình kết nối giao thương giữa Gia Lai với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh, thành trên cả nước; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương đưa sản phẩm đặc sản, đặc trưng tham gia các chuỗi cung ứng thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử lớn nhằm tăng khả năng tiếp cận các thị trường.
Chị Vũ Thu An, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chia sẻ, Gia Lai có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng nên sẽ tạo nên các sản phẩm mang nét riêng với giá trị độc đáo, khác biệt với những vùng miền khác. Với các sản phẩm nông - lâm sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, hoa quả… cùng với đa dạng sản phẩm OCOP, Gia Lai có thể tận dụng lợi thế này để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, chỉ cần các sản phẩm của bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản; chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm là doanh số thương mại có cơ hội tăng nhanh.
Trên cơ sở định hướng của kế hoạch triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, ngành công thương Gia Lai sẽ chủ động triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị Co.op Mart, WinMart và một số siêu thị bán lẻ tại các tỉnh, thành khác sẽ được chú trọng triển khai.