Nông nghiệp xanh - bền vững cho An toàn khu

- Thứ Hai, 24/06/2024, 06:53 - Chia sẻ

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên là hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đây không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng An toàn khu (ATK).

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng ngành nông nghiệp giữ vai trò quan trọng và được xác định là một trong những trụ cột của nền kinh tế Thái Nguyên. Kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp trong những năm tới là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường.

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực

Tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, hữu cơ có giá trị kinh tế cao.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên, cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành đã có sự chuyển dịch theo hướng hiệu quả hơn, chuyển dịch tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; tăng những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tỉnh tập trung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh và các sản phẩm lợi thế, đặc sản của địa phương. Hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Mô hình trồng chè tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ITN
Mô hình trồng chè tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: ITN

Đặc biệt, cây chè tiếp tục khẳng định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của Thái Nguyên, diện tích, sản lượng và giá trị sản phẩm trà đứng đầu cả nước, sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 267,5 nghìn tấn, bằng 102% kế hoạch, tương đương 53,5 nghìn tấn chè búp khô, giá trị từ sản xuất chè đạt khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng.  Cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho các hộ gia đình nông dân và các hợp tác xã. Khi nhắc đến Thái Nguyên, sản phẩm hàng đầu đó là chè Thái Nguyên với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên); chè La Bằng (Đại Từ); chè hữu cơ Sông Cầu; chè Trại Cài (Đồng Hỷ); làng nghề chè Vô Tranh - Tức Tranh (Phú Lương),…

Thái Nguyên cũng phát triển một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm, với tổng diện tích gieo trồng đạt 67,5 nghìn ha, tập trung ở các xã Tân Đức (Phú Bình); Minh Lập (Đồng Hỷ); Minh Đức (TP. Phổ Yên) thu hút doanh nghiệp phát triển liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo. Ngoài ra còn vùng sản xuất na ở các xã La Hiên, Phú Thượng (Võ Nhai); vùng sản xuất bưởi ở xã Tiên Hội (Đại Từ); vùng trồng nhãn ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), Quân Chu (Đại Từ); vùng sản xuất rau an toàn ở Huống Thượng, Đồng Liên (TP. Thái Nguyên)…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt; có 76 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi, 1.197 trang trại chăn nuôi, hầu hết sản xuất theo chuỗi liên kết, áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Năm 2023, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 128,7 triệu đồng/ha.

Gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn

Theo đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP, nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, phương án, dự án sản xuất kinh doanh, tổ chức phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, đánh giá, xây dựng thương hiệu sản phẩm,..hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống...

Năm 2023, Thái Nguyên có thêm 68 sản phẩm mới đủ điều kiện đánh giá, xếp hạng từ 3 - 4 sao trở lên. Trong đó 60 sản phẩm 3 sao do cấp huyện công nhận, 8 sản phẩm 4 sao UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số sản phẩm đã được xếp hạng OCOP từ 3 - 5 sao trên địa bàn tỉnh là 240 sản phẩm gồm chè, gạo, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô, cao ngựa bạch, na, miến… Có 03 sản phẩm chè đinh, chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt và sản phẩm Du lịch văn hóa dân tộc Tày bản làng Thái Hải của Công ty TNHH Thái Hải Thái Nguyên đủ điều kiện trình Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng 5 sao OCOP.

Đồng thời, tỉnh gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã hình thành nhiều khu, điểm tham quan du lịch với các dịch vụ trải nghiệm thu hút đông đảo du khách, tạo ra giá trị kinh tế cao như khu Du lịch văn hóa dân tộc Tày Thái Hải (sản phẩm đạt OCOP 4 sao), điểm du lịch Bản Quyên (Định Hóa), điểm du lịch thác 7 tầng xóm Khe Cạn (Đồng Hỷ)… Không gian trưng bày và trải nghiệm chế biến chè truyền thống của Hợp tác xã Chè Hảo Đạt (TP. Thái Nguyên), Hợp tác xã Chè La Bằng (Đại Từ), Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ghềnh Chè (TP. Sông Công), điểm du lịch Thác Ngao của Hợp tác xã Quân Chu (Đại Từ)…

Để có được bức tranh sáng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thái Nguyên đã thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển sản phẩm OCOP. 

Thanh Mai
#