Chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Thái Nguyên được thể hiện rõ qua các báo cáo thẩm tra trình Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa XIV. Nhất là Thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc đề nghị thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân
Theo đó, thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc đề nghị thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 (lĩnh vực kinh tế - ngân sách), bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, để đánh giá đầy đủ kết quả, làm cơ sở xây dựng các giải pháp 6 tháng cuối năm, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh báo cáo một số nội dung thiết thực.
Cụ thể, đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân chi đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán HĐND tỉnh giao (đạt 36,3%); giải pháp hoàn thành chỉ tiêu này 6 tháng cuối năm. Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp (ước đạt 25,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; 16,96% kế hoạch vốn địa phương giao); kết quả giải ngân vốn đầu tư công kéo dài sang năm 2024 tại các nghị quyết của HĐND tỉnh; giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm nhằm kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư công cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân và bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm 2024.
Ban đề nghị UBND tỉnh làm rõ tiến độ triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm của tỉnh như: tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; dự án đường Vành đai V, đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối tỉnh Bắc Giang); dự án Sân vận động Thái Nguyên; dự án xây dựng trụ sở làm việc khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên… Ban đề nghị đánh giá nguyên nhân số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể; giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động trở lại trong thời gian tới, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khối doanh nghiệp vào thu ngân sách của tỉnh.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng đề nghị làm rõ kết quả tham mưu, triển khai thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; đồng thời, báo cáo việc công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN ngày 20.4.2023 để thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11.3.2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Thẩm tra nội dung trên thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: theo báo cáo, ước tính đến 30.6.2024, số tiền chi BHYT là 854,698 tỷ đồng, tăng 140,778 tỷ đồng (tăng 19,72%) so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhất là thuốc bảo hiểm y tế tại một số cơ sở y tế công lập, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ban đề nghị UBND tỉnh báo cáo làm rõ thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Cùng với đó, việc thực hiện tốt các giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng là nội dung Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm thực hiện…
Đối với Ban Dân tộc HĐND tỉnh, qua thẩm tra, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế -xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông; bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, chữ viết, tiếng nói của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc trên địa bàn; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy hiệu quả chương trình, chính sách.