Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội theo Nghị quyết Đại hội XIII

Bài cuối: Đổi mới việc quyết định các vấn đề quốc gia đại sự

- Thứ Năm, 29/09/2022, 05:00 - Chia sẻ

TS BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong việc quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, thể hiện rõ nhất là sự thận trọng, cân nhắc, tranh luận, tiếp cận từ nhiều chiều, nhiều hướng, dưới nhiều góc độ để tìm ra phương án tối ưu, khả thi nhất cho mỗi vấn đề. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ này còn phải tiếp tục nghiên cứu đổi mới nhiều quyết định cụ thể khác, trước mắt là những quyết định về các dự án, các công trình quan trọng quốc gia thuộc trách nhiệm của Quốc hội.

Hiện nay và sắp tới có khá nhiều dự án, công trình loại này, đi theo đó là phải giải ngân vốn đầu tư công với khối lượng lớn. Do đó, có thể nghiên cứu sớm đổi mới các vấn đề sau:

Quy định giá trị đầu tư của dự án, công trình

Tại Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29.6.2006, Quốc hội Khóa XI đã quy định dự án, công trình quan trọng quốc gia là loại công trình có giá trị đầu tư từ 20 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó có 30% vốn của nhà nước trở lên. Đến ngày 19.6.2010, tại Nghị quyết số 49/2010/QH12, Quốc hội Khóa XII đã quyết định nâng lên mức từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ 11 nghìn tỷ đồng trở lên. Do trượt giá nhanh nên ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, được biết Chính phủ muốn tiếp tục trình nâng mức đầu tư cho các dự án, công trình này lên cao hơn nữa, nhưng Quốc hội chưa nhất trí. Có lẽ trong điều kiện trượt giá nhanh thì không nên quy định bằng con số tuyệt đối mà quy định bằng con số tương đối (%) theo phương án “nước lên, thuyền lên”, bằng cách so sánh giá trị mức đầu tư của dự án, công trình với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của năm đó nếu đã dự lượng được (hoặc của năm liền kề trước đó nếu đã xác định được), thì số % tính được sẽ là mức quy định của công trình quan trọng quốc gia từ năm đó trở đi. Quy định bằng con số tương đối (%), dù có trượt giá bao nhiêu thì Quốc hội cũng không phải sửa đổi hay ban hành nghị quyết mới mà vẫn bảo đảm độ tin cậy.

Hết sức tiết kiệm đất đai

Trong điều kiện “tấc đất, tấc vàng”, “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, “trời sinh nhân, bất sinh địa” thì các dự án, công trình quan trọng quốc gia trên một địa điểm xác định (trừ các dự án đường bộ, đường sắt xuyên vùng, xuyên miền) cũng phải hết sức tiết kiệm đất đai. Theo Nghị quyết số 49-NQ/2010/QH12 thì có những dự án, công trình chiếm tới 500 - 1.000ha đất và có thể nhiều hơn nữa, như thế là quá lớn. Đặc biệt là phải bảo vệ được môi trường, phải hết sức nghiêm ngặt trong đánh giá tác động của dự án, công trình... Những vấn đề nói trên phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bằng những chỉ thị, nghị quyết cụ thể, nhất là sắp tới sau khi sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và nhiều luật khác có liên quan tới đất đai.

Đổi mới tổ chức của Quốc hội cho xứng tầm nhiệm vụ 

Vào cuối nhiệm kỳ này (năm 2025), rất cần sửa đổi các luật tổ chức bộ máy nhà nước để xử lý một số vấn đề cấp thiết cho nhiệm kỳ mới (2026 - 2031) và các nhiệm kỳ sau.

Đối với việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, như đã biết, thế giới đang tồn tại 3 mô hình về số lượng cơ quan thường trực của Nghị viện (Quốc hội), đó là số lượng các cơ quan thường trực của Quốc hội nhiều hơn, ngang bằng và ít hơn so với số lượng các bộ, ngành của Chính phủ (Nội các). Số cơ quan thường trực của Quốc hội nước ta hiện nay là 10 so với 22 bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ chỉ bằng khoảng 45%, trong khi nhiều Ủy ban đang quá tải công việc... Trong thời gian tới, chắc chắn Quốc hội nước ta vẫn theo mô hình ít cơ quan thường trực hơn, nhưng cũng không thể quá ít, mất cân đối so với số lượng các bộ, ngành của Chính phủ, nhất là thực hiện chức năng giám sát - công cụ của kiểm soát quyền lực.

Cần lưu ý rằng, việc tăng thêm các cơ quan của Quốc hội về cơ bản sẽ không làm tăng biên chế nhà nước, vì có thêm bao nhiêu cơ quan thì cũng chỉ trong số đại biểu của Quốc hội (như hiện nay là 498 đại biểu). Bởi vậy, việc tăng thêm các cơ quan trong Quốc hội có ý nghĩa tích cực là tổ chức, phân công lại lao động theo hướng chuyên sâu, san sẻ công việc để ngày càng bao quát trọn vẹn chức năng, nhiệm vụ; cũng đồng nghĩa với việc tận dụng khả năng, năng lực các đại biểu Quốc hội trong một nhiệm kỳ. Dự tính đến năm 2030, Quốc hội có 12 cơ quan chuyên môn, đến năm 2045 là 15 cơ quan và có thể định hình tại đây. Khi ấy, dự tính số cơ quan của Quốc hội cũng chỉ bằng khoảng 60% so với số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ.

Việc sửa đổi Luật này còn nhằm xử lý ít nhất hai việc nữa. Đó là cân đối, phân công lại công việc theo số lượng các cơ quan thường trực khi đã tăng thêm. Đồng thời điều chỉnh lại những bất hợp lý về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hiện tại do các mô hình tổ chức khác nhau (hiện nay Quốc hội có 10 cơ quan nhưng theo 3 mô hình tổ chức: 8 Ủy ban tổ chức theo chuyên đề; một cơ quan tổ chức theo mô hình chuyên đề kết hợp với đối tượng, đó là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong đó có đối tượng là thanh, thiếu niên và nhi đồng; một cơ quan tổ chức theo mô hình chuyên đề kết hợp với đối tượng, kết hợp với địa bàn, đó là Hội đồng Dân tộc). Vì thế, có những việc “bị bỏ trống”, có những việc cơ quan nào làm cũng được... do vậy cần quy định, điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Việc tiếp theo là quy định lại số lần lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong một nhiệm kỳ và những nội dung cụ thể của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm trong các nhiệm kỳ mới.

Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời, đúng đắn... Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm”(1). Đối với Quốc hội, ngoài chế độ làm việc tập thể, quyết định theo đa số đã được luật định thì phong cách làm việc “khoa học, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm”. Hơn đâu hết, đây là những yêu cầu hết sức thiết thực phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong mỗi sản phẩm của Quốc hội và phải là phong cách hoạt động của mỗi cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội.

Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, bằng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, bởi vậy đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nghĩa là phải đổi mới, nâng cao tính khoa học, tính dân chủ, tính thực tiễn, nâng cao chất lượng các nghị quyết, quyết định, quy định, chỉ thị, kết luận của Đảng và có cơ chế vận hành hợp lý giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Các quyết định, chỉ thị lãnh đạo của Đảng phải mềm dẻo, linh hoạt, thực sự dân chủ, nhất là các quyết định về nhân sự, bộ máy các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan dân cử nói riêng. Đảng cần cung cấp đầy đủ các thông tin, cứ liệu cần thiết, khách quan để cơ quan dân cử quyết định một cách thực chất, hết sức tránh thông tin một chiều, không đầy đủ. Tất cả đều nhằm bảo đảm cho cơ quan dân cử hoạt động ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Vấn đề quan trọng này một lần nữa Đảng và các cấp ủy Đảng cùng các cơ quan hữu trách phải tiếp tục thực hiện và thực hiện tốt hơn nữa phát biểu tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VIII, ngày 17.6.1987: Tất cả những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định về mặt nhà nước phải được đưa ra Quốc hội thật sự bàn bạc dân chủ trước khi có nghị quyết chính thức. Lời phát biểu chỉ đạo này gợi ý một cơ chế làm việc giữa Đảng lãnh đạo Quốc hội và Quốc hội thực thi sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả hoạt động của Quốc hội phải là một trong những căn cứ quan trọng nhất cho các quyết định của Đảng.

Liên hệ với bây giờ, chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo “từ sớm, từ xa” đối với nhiều công việc lớn. Từ đó có thể rút ra vấn đề như là cơ chế làm việc: Những công việc đại sự quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội thì Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, đề xuất trước với Đảng để Đảng có sự lãnh đạo, chỉ đạo phương hướng giải quyết hợp lý, thấu đáo, hiệu quả nhất. Đảng không “làm thay”, không “giải quyết hộ” công việc cho cơ quan dân cử.

________

(1) Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tâp I, trang 198-199.