Vì sao nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ?

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 06:11 - Chia sẻ

Là một câu hỏi mà nhiều người khi thụ lý giải quyết vụ việc bạo lực gia đình đã đặt ra. Vì sao nạn nhân không tìm kiếm sự giúp đỡ - ít nhất là sự chạnh lòng, nỗi niềm day dứt, đặc biệt trong trường hợp bạo lực gia đình đã có hậu quả, thậm chí gây tử vong cho nạn nhân.

Thực tế cho thấy, ngoài các yếu tố văn hóa, kinh tế của cá nhân, gia đình, còn có vấn đề liên quan đến thủ tục và hiệu quả hòa giải, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình. Nạn nhân ngại tiếp xúc với chính quyền vì vấn đề tế nhị, cá nhân. Khi họ vượt qua được nỗi sợ hãi “bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực với chính quyền” thì việc viết đơn trình bày như thế nào đối với họ, nhất là những phụ nữ nông thôn, vùng sâu xa, hoặc phụ nữ bị lệ thuộc về kinh tế... cũng là điều không dễ. Bởi, để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân “phơi bày” câu chuyện buồn của mình với tâm trạng “vạch áo cho người xem lưng”.

Trong khi các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, thì các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình. Khi viết đơn, đa phần nạn nhân khó hình dung được mình sẽ được tư vấn, bảo vệ như thế nào. Bởi vì trên thực tế, thông thường người họ tiếp xúc đầu tiên là công an viên, chứ không phải là nhân viên y tế, trợ giúp xã hội. Thậm chí, khi viết đơn, nạn nhân còn được tư vấn "bỏ qua", "chín bỏ làm mười"...

Đáng nói hơn, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường là người phải rời khỏi nhà (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi), chứ không phải là từ đối tượng gây ra hành vi bạo lực. Mặc dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không quy định “ai là người phải ra khỏi nơi cư trú - nhà”, nhưng vì rất có thể họ đang sống chung, nơi cư trú là tài sản của gia đình chồng; hoặc là tài sản chung vợ chồng nhưng… đó vẫn là “nhà của chồng” - người gây bạo lực. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội, bị khó khăn và yếu thế hơn khi bị đưa vào môi trường sống lạ khi đang bị tổn thương.

Và rồi, khi quyết định nói lên sự thật, nạn nhân của bạo lực gia đình tiếp tục gặp những rào cản khác để bảo vệ mình, tiếp tục bị hành vi bạo lực, bởi vì tính khả thi của những quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bởi, Điểm C, Khoản 1, Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chỉ dừng lại ở quy định chung chung: “các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về tố tụng hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình”.

Đánh giá của các chuyên gia, nhiều tổ chức đại diện bảo vệ quyền cho phụ nữ, trẻ em cũng như nạn nhân của bạo lực giới đều cho rằng, quy định khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì phải có đơn đề nghị là không phù hợp; đồng thời quy định viết đơn trong áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là thủ tục hành chính không cần thiết gây khó khăn cho chính người bị bạo lực gia đình cũng như cơ quan chức năng.

Khang Bình