Vẫn chờ... thông suốt!

- Thứ Bảy, 07/05/2022, 13:14 - Chia sẻ

Vài tuần qua, cư dân phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội được thông báo trên nhóm Zalo tổ dân phố đến trụ sở Công an phường để thực hiện thủ tục tích hợp các giấy tờ công dân. Theo thông báo, khi đi thực hiện thủ tục người dân cần mang theo các loại giấy tờ như: Căn cước công dân gắn chip (bắt buộc); mã số thuế, mã số Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký xe chính chủ... (nếu có). Cũng theo thông báo này, sau khi đăng ký và được cấp định danh điện tử Thẻ căn cước công dân gắn chip có thể tích hợp và thay thế các loại giấy tờ khác, nên khi công dân làm các thủ tục hành chính chỉ cần mang thẻ căn cước công dân là được. Nếu muốn tích hợp loại thẻ nào, thì photo lại, để lưu tại phường, công an phường sẽ không thu bản gốc.

Hướng dẫn đã rõ, lợi ích cũng đã được đưa ra. Tuy nhiên không ít người dân băn khoăn liệu khi tích hợp các giấy tờ nêu trên thì việc sử dụng có được thông suốt? Chia sẻ của không ít người dân khi thực hiện nộp sổ hộ khẩu cho công an, nhưng khi thực hiện các thủ tục khác (nhiều nhất là thủ tục nhập học, mua nhà, đất…) đều yêu cầu trình sổ hộ khẩu bản chính. Chị Phạm Thị anh, tổ dân phố số 5, phường Dịch Vọng Hậu phản ánh, khi xin giấy tờ đi học cho con thì nhà trường yêu cầu có hộ khẩu. Chính vì thế lại phải đi xác nhận hộ khẩu. Trường hợp chị anh là còn biết thông tin để lên Công an phường xin giấy xác nhận, còn không hiếm người dân khi lên nhóm trao đổi thì mới biết thủ tục này, còn khi nộp sổ hộ khẩu cũng không được giải thích gì thêm, hoặc không biết hỏi cách giải quyết khi nảy sinh thủ tục yêu cầu có sổ hộ khẩu. Có thể họ cho rằng… thông tin liên quan đã được kết nối, chia sẻ.

Phản ánh của người dân cho thấy, để được xác nhận cư trú - sau khi đã nộp sổ hộ khẩu (giấy) người dân phải đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Công an phường để làm thủ tục. Thời hạn của giấy xác nhận này là 30 ngày. Có thể thấy như vậy là chưa tiện cho dân, mà chỉ đạt mục tiêu tiến độ “không dùng sổ hộ khẩu”. Bởi, khi xin giấy xác nhận nơi cư trú - mặc dù đó là “giải pháp tình thế” của ngành công an - nhưng người dân cũng phải tham gia một thủ tục hành chính (một lần đến làm thủ tục và 1 lần đến lấy giấy), thời gian giải quyết là 2 ngày làm việc. Điều đáng nói, không phải lúc nào cũng gặp được cán bộ.

Từ phản ánh này cho thấy, ở vị trí của người dân thì việc nộp sổ hộ khẩu khi các cơ quan chưa liên thông, chưa chia sẻ thông tin và chưa thống nhất trong cách áp dụng… sẽ phát sinh phiền hà. Bởi, thay vì có trong tay sổ hộ khẩu thì lại phải xin giấy xác nhận nơi cư trú. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thủ tục tích hợp các giấy tờ công dân, bởi tâm lý chưa yên tâm. Hơn nữa, việc yêu cầu phải photo (dù không thu bản gốc) cũng là phát sinh chi phí, nhất là khi các thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… đã có tại các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Điều đó liệu có cần thiết? Đến bao giờ việc chia sẻ, kết nối giữa các nguồn tài nguyên dữ liệu được thực sự thông suốt?

BÌNH KHANG