Không chỉ là mức thù lao

- Thứ Năm, 26/05/2022, 11:58 - Chia sẻ

Mức chi thấp, còn chung chung dẫn đến chưa thu hút được đội ngũ công tác viên tham gia việc kiểm tra văn bản là vướng mắc sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đó chỉ một phần của vấn đề này. 

Hiện, khối lượng văn bản quy phạm pháp luật cần phải kiểm tra, rà soát hàng năm trên cả nước là rất lớn, thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Đơn cử, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện đang đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo năm nhóm văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; tác động của đại dịch Covid-19; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giáo dục, đào tạo (không bao gồm giáo dục nghề nghiệp); quản lý giá và thẩm định giá; chi phí trong hoạt động giám định tư pháp.

Từ kết quả rà soát này, các bộ, ngành liên quan đã đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Trong đó, có 16 Luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019); Luật Giá năm 2012; Luật Điện lực năm 2004; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Đất đai năm 2013; Luật Nhà ở năm 2014... và 12 Nghị định do Chính phủ; 4 Thông tư do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.

Không chỉ là mức thù lao -0
Việc kiểm tra, rà soát văn bản góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Nguồn: ITN

Điều này có nghĩa là việc thu hút đội ngũ cộng tác viên tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung và công tác kiểm tra, rà soát văn bản nói riêng cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, phản ánh của nhiều bộ, ngành và địa phương cho thấy hiện việc thu hút các chuyên gia vào hoạt động này rất hạn chế do mức chi quá thấp lại chung chung, khó thực hiện. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ban ngành còn ít nhiều hạn chế. Sở Tư pháp là cơ quan tổng hợp, hướng dẫn công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, còn các cơ quan chuyên môn căn cứ nhu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước của mình, đối chiếu với các văn bản quy phạm pháp luật mới để kiểm tra, rà soát. Vậy, nhưng hiện nay công tác này dường như dồn về cho ngành Tư pháp.

Thực tế còn cho thấy, việc kiểm tra, rà soát hiệu quả khi mà người rà soát hiểu biết được lĩnh chuyên ngành. Để làm được điều này, thì các bộ chuyên ngành cần “xắn tay” vào cuộc. Bởi, việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản văn bản quy phạm pháp luật không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính thông qua việc nâng cao chỉ số cải cách hành chính.

Như vậy, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc cần sớm tổng kết, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 122/2011/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, mà còn cần có sự chuyển biến trong công tác này ở các bộ, ngành, địa phương.

Đình Khoa