Đừng “đánh trống bỏ dùi”

- Thứ Hai, 25/04/2022, 05:28 - Chia sẻ
Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường… là những văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến xử lý chất thải nhựa.

Tại các văn bản này, Chính phủ cũng đã xác định các lộ trình cụ thể như: từ ngày 10.1.2022, giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học…

Tất cả thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, nếu nhìn vào các kết quả khảo sát gần đây thì thấy còn rất nhiều việc phải làm đồng bộ. Trong đó không chỉ dừng lại ở chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý các hành vi vi phạm… mà còn là nhận thức của mỗi một người dân đối với môi trường nói chung và sử dụng túi nilon nói riêng.

Hình ảnh phổ biến không chỉ ở các chợ truyền thống, chợ cóc, mà ngay cả các siêu thị lớn... là khách hàng xin thêm túi nilon, còn người bán (nhân viên) thì cũng sẵn lòng đưa thêm khi có yêu cầu. Tất nhiên, cũng đã có những khách hàng không sử dụng túi nilon, những siêu thị sử dụng giấy gói (lá chuối…) để đựng sản phẩm. Tuy nhiên, đó chỉ là những hình ảnh hiếm hoi và không phổ biến bằng việc người nội trợ mua 1.000 đồng gia vị cũng… dùng túi nilon.

Khảo sát gần đây của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số lượng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình lên tới 104.000 túi/ngày, tương đương 38 triệu túi/năm. Trong số 48 siêu thị được khảo sát, có trên 95% hiện đang cấp túi nilon miễn phí. Bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Đáng lưu tâm, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng này được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Muốn đạt được lộ trình đặt ra trong bối cảnh nêu trên, không chỉ dừng lại ở cam kết, hay chỉ xử lý các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, mà còn cần áp dụng với hộ tiểu thương, các chợ truyền thống, người tiêu dùng...; đồng thời cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc đẩy mạnh, hoàn thiện sớm các nhà máy xử lý rác hiện đại (điện rác) thì cần xác định rõ cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp (bao gồm từ khâu sản xuất đến sử dụng túi nilon). Ở khía cạnh này, khâu hậu kiểm rất quan trọng, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi.  

Phạm Hải