Xử lý nhiều, sao vẫn vi phạm?
Trong những ngày qua, việc Xí nghiệp đèn ống, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa bị phát hiện xả chất thải nguy hại ra môi trường đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, xí nghiệp này không thu gom chất thải (với khoảng 42 tấn) để xử lý theo quy định, tự xử lý các loại chất thải không được đăng ký trong các thủ tục được cơ quan chức năng cho phép, chôn lấp các loại chất thải nguy hại trái quy định tại khuôn viên của công ty.
Tất nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất. Bởi, nếu gõ từ khóa “xả chất thải nguy hại ra môi trường” lập tức tìm được khoảng 13.200.000 kết quả với những địa phương được nhắc đến nhiều như Đồng Nai, Lâm Đồng, Bắc Giang, Hà Nam… Câu hỏi đặt ra là hệ thống các văn bản liên quan đã đầy đủ nhưng việc xả thải chất nguy hại ra môi trường ngày càng nhiều, hay chăng là các chế tài không đủ mạnh, hoặc việc kiểm tra, xử lý chưa nghiêm?
Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại từ việc lập hồ sơ về chất thải nguy hại và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh... đến tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Trong trường hợp chủ nguồn thải không có khả năng xử lý chất thải nguy hại đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường phải chuyển giao cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Bên cạnh việc quy định trách nhiệm liên quan, pháp luật cũng quy định rõ các chế tài xử lý từ hành chính đến hình sự. Chẳng hạn, Điều 236, Bộ luật Hình sự đã quy định Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại với khung hình phạt tù từ 1 - 10 năm, cùng nhiều các hình phạt bổ sung khác. Tuy vậy, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường cho thấy, việc xử lý hình sự cũng gặp không ít vướng mắc.
Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thấy đa phần các địa phương xử lý vi phạm hành chính. Đơn cử, năm 2021 lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 1.825 vụ, 1.902 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, tuy nhiên xử lý vi phạm hành chính 1.803 vụ 1.873 đối tượng, khởi tố, xử lý hình sự 22 vụ, 29 đối tượng phạm tội. Trong vấn đề xử lý chủ nguồn thải ô nhiễm, vẫn còn luồng quan điểm cho rằng, việc xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương. Đó cũng là mâu thuẫn trong quá trình phát triển bền vững.
Trong khi đó, phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, theo quy định hiện hành thì hành vi xả thải phải đạt một tải lượng nhất định mới bị truy cứu truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này, gây khó khăn nhất định trong thực tiễn bởi việc xác định tải lượng này với môi trường là tương đối phức tạp, đa phần vượt quá khả năng của cơ quan tiến hành tố tụng với đội ngũ nhân lực giám định viên chuyên ngành môi trường mỏng. Hơn nữa, tội phạm về môi trường theo quy định Bộ luật Hình sự năm 2015 không được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong khi hậu quả gây ra trong thực tế là rất lớn.