"Trăm dâu đổ đầu... cơ sở"

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 06:22 - Chia sẻ

Hiện nay, xã, phường, thị trấn gọi chung là cấp cơ sở phải "gánh" khối lượng công việc lớn. Từ trực tiếp tiếp xúc, giải quyết yêu cầu, kiến nghị của công dân, tổ chức đến việc triển khai thực hiện và quản lý mọi hoạt động trên địa bàn cơ sở. Do đó, cấp cơ sở là cấp đang có vai trò rất quan trọng trong các cấp hành chính của hệ thống chính trị ở nước ta.

Hệ thống chính quyền nước ta được ví như hình chóp nón, nếu chúng ta coi cấp cơ sở là đáy thì đó là cấp có khối lượng công việc nhiều nhất, thường xuyên và phức tạp nhất. Tuy vậy, trong hệ thống hành chính 4 cấp, cấp cơ sở lại được bố trí ít người làm việc nhất. Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, loại 1 tối đa 23 người; loại 2 tối đa 21 người; loại 3 tối đa 19 người.

Điều đáng nói là cấp cơ sở không chỉ có khối lượng công việc thường xuyên nhiều mà còn có nhiều việc đột xuất phát sinh hoặc công việc do cấp trên giao thêm. Vì thế, gần như họ phải gánh hết, phải "đụng" đến nhiều công việc của các ngành, các cấp khi triển khai xuống cơ sở. Mặc dù vậy, nhưng không được giao thêm người, phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí để đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng lớn. Có cán bộ xã tâm sự, riêng thời gian tiếp, làm việc và báo cáo cho cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã chiếm rất nhiều thời gian của cán bộ cơ sở!

Đặc biệt, mỗi khi có vụ việc nào đó, vấn đề nào đó nổi cộm, phát sinh là lập tức cấp cơ sở bị "kéo" vào cuộc, nhiều trường hợp bị quy trách nhiệm vì cho rằng họ là cấp cơ sở, cấp có thẩm quyền... quản lý chung! Do đó, cấp cơ sở mặc định được coi là quản lý mọi việc, mọi lĩnh vực xảy ra trên địa bàn. Chính vì thế, mà đôi khi nhiều nội dung, nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên trách, chuyên ngành hoặc cấp trên nhưng vẫn phải tham gia, ít nhất cũng là với vai trò phối hợp! Với cách thức tổ chức bộ máy hành chính hiện nay gần như "trăm dâu đổ đầu… cơ sở".

Vì vậy, cơ quan chức năng cần có sự đánh giá, nhìn nhận đúng vị trí, chức năng, vai trò, nhiệm vụ của cấp cơ sở. Theo đó, cần chú trọng tăng cường nguồn lực, nhân lực và các điều kiện cần thiết cho cấp này. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực cho cấp cơ sở để họ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao ngày càng nhiều, càng phức tạp.

Vĩnh Linh