Sớm ban hành tiêu chí

- Chủ Nhật, 17/04/2022, 05:54 - Chia sẻ
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 quy định, đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phải được phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Và tại Nghị định số 155/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định, hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt hành chính, số tiền phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

Quy định là vậy, song hình ảnh phổ biến khi thu gom rác thải sinh hoạt vẫn là thu gom chung. Điều đáng nói, không ít hộ gia đình đã phân loại nhưng khi thu gom thì nhân viên môi trường lại cho vào một chỗ - tức là thu gom bình thường, không phân loại.

Thực tế, trước khi Luật Bảo vệ môi trường chưa có hiệu lực thì tại một số địa phương với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ đã triển khai chương trình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. Đơn cử tại huyện Đông Anh, Hà Nội đã có 100% các hộ dân của 28/28 xã thực hiện phân loại rác, thực hiện ủ rác hữu cơ thành phân bón ruộng và tự kiểm toán rác khi giao nộp cho đơn vị thu gom. Hay, từ năm 2019, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đã triển khai Chương trình Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn các quận do công ty phụ trách. Đến nay, đã hoàn thành việc thu gom, tái chế 2.000 tấn rác thải rắn.

Tuy vậy, con số này vẫn là khiêm tốn khi ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội khoảng 7.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, thành phần rác thải thực phẩm chiếm 51,9%, chất trơ (da, gỗ, cao su…) chiếm 38%, lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm 7,1%. Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu được thu gom, mang đi chôn lấp chiếm 98%, khoảng 2% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt, không phát điện.

Nhiều ý kiến cho rằng, do vẫn còn thiếu các hướng dẫn về mặt kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Mội trường. Như vậy, Luật đã có hiệu lực, và cũng đã có đầy đủ các văn bản hướng dẫn nhưng vẫn chờ Bộ chủ quan xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn với các loại tiêu chí như tiêu chí về công nghệ xử lý, hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn… Một khía cạnh khác cũng cần được quan tâm là hiện đa phần người dân còn hiểu chưa đầy đủ về quy định tính tiền thu gom xử lý rác theo số lượng/khối lượng, hay việc sử dụng túi với kích cỡ, màu sắc như thế nào là đúng quy định.

Theo lộ trình thì các quy định về phân loại tại nguồn và thu giá dịch vụ theo khối lượng hoặc thể tích chất thải phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31.12.2024. Để đạt được lộ trình này, bên cạnh việc sớm ban hành các tiêu chí kỹ thuật, để các địa phương kịp thời chuẩn bị cơ sở điều kiện hạ tầng cần thiết, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung mới, quan trọng của Luật Bảo vệ môi trường đến người dân.  

Đình Khoa