Không chỉ là chế tài

- Chủ Nhật, 15/05/2022, 08:05 - Chia sẻ

Đấu giá đất là một phương pháp ưu việt để có thể công khai, minh bạch, bình đẳng và hiệu quả cho thị trường bất động sản. Tuy vậy, để khắc phục “lỗ hổng” dẫn đến  tình trạng bỏ cọc trong đấu giá đất, dư luận cho rằng bên cạnh chế tài xử phạt, cần xem xét, hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá.

Để tránh những “giao kết ngầm” giữa các bên nhằm chọn phương án giá đất rẻ, mang lại cho chủ đầu tư lợi nhuận cao nhất, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, một trong những giải pháp và cũng là “lối thoát” để tạo sự minh bạch, công khai, bình đẳng và hiệu quả cho thị trường bất động sản đó là đấu giá đất. Song thực tế trong thời gian qua, câu chuyện đấu giá đất “trên trời” xong bỏ cọc đã xảy ra tại nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy định pháp luật về đấu giá đất còn nhiều “lỗ hổng”?

Trong nhiều diễn đàn lấy ý kiến về sửa đổi Luật Đất đai gần đây, xung quanh câu chuyện này, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia pháp luật đều khẳng định: quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất và chế tài xử lý đấu giá còn nhiều “lỗ hổng”, các quy định chồng chéo. Đơn cử, trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản (thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp) thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản 2016. Còn việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xem xét năng lực người tham gia đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá... chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế…

Để góp phần khắc phục tình trạng này, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra nhiều chế tài xử phạt như: Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, còn phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá...

 Dự thảo Nghị định sửa đổi đưa ra những chế tài phạt nặng để bảo đảm hạn chế tối đa chuyện đấu giá xong bỏ cọc là cần thiết, song các chuyên gia pháp lý cũng nhìn nhận: gốc rễ và cốt lõi trong đấu giá đất là thẩm định giá. “Không phải cứ chế tài phạt là giải quyết được vấn đề, đôi khi bắt họ phải nộp phạt quá cao thì có thể dẫn đến phản ứng ngược, nhiều người sẽ e dè với việc tham gia đấu giá đất”. Vì sau khi họ trúng đấu giá đất rồi, có khi do những trường hợp bất khả kháng nào đó, buộc phải bỏ việc đấu giá. Lúc đó, họ cũng đã phải mất tiền cọc; khi người ta dè dặt tham gia đấu giá đất thì việc giao dự án, giao đất sẽ quay trở lại… Vì thế, giải pháp cho vấn đề này, không chỉ là chế tài, mà quy định pháp luật về thẩm định giá cần được xem xét thấu đáo, cụ thể. Khi pháp luật không quy định giá trần thì chủ đầu tư có thể trả vống lên đến gấp hàng chục lần, thậm chí nhiều hơn thế. Điều đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường thực sự. 

HẢI THANH