Khi trách nhiệm giải trình giảm

- Thứ Hai, 16/05/2022, 06:50 - Chia sẻ

Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân là ba chỉ số thành phần bị giảm mạnh tại Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI 2021) vừa được công bố. Điều này vừa cho thấy tính “hàn thị biểu” trong đánh giá của người dân đối với những vấn đề liên quan, nhưng đồng thời cũng cho thấy được những điểm nghẽn, điểm chưa mạnh ở các địa phương.

Tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người từ 18 tuổi trở lên. Việc tham gia đó có ý nghĩa quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương. PAPI 2022 cho thấy, khi so sánh với kết quả khảo sát năm 2020, 14 tỉnh, thành phố có mức gia tăng về điểm đáng kể, trong khi đó cũng có hơn 30 tỉnh, thành phố có mức sụt giảm điểm đáng kể theo kết quả năm 2021. Đáng lưu tâm, PAPI 2022 cho thấy, việc đi bầu hộ, bầu thay các kỳ bầu cử đại biểu HĐND, ĐBQH vẫn còn ở các địa phương; dưới 50% số người trả lời ở hơn 40 tỉnh, thành phố cho biết có ít nhất hai ứng cử viên để họ bầu chọn làm trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố trong năm 2021.

Hay, ở nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương ở các khía cạnh tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất thì chưa có địa phương nào được ghi nhận đã có nỗ lực đáng kể. Điển hình, trong tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin 2016, đạt mức điểm thấp nhất trong bốn nội dung thành phần của chỉ số này. Từ góc độ thực thi Luật Tiếp cận thông tin, ở hầu hết các tỉnh, thành phố, chỉ có khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước cho biết đã nhận được thông tin họ cần.

Đáng quan tâm hơn, không có tỉnh, thành phố nào đạt mức cải thiện đáng kể so với kết quả năm 2020 về trách nhiệm giải trình với người dân. Trung bình chưa đến 40% người trả lời trên toàn quốc cho biết họ đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương, song không phải ai cũng hài lòng với kết quả nhận được. Khi có khúc mắc, người dân có xu hướng tiếp cận cán bộ, công chức UBND xã/phường/thị trấn hơn đại biểu dân cử  xã/phường/thị trấn. Khoảng cách này rất rõ nét ở tất cả các tỉnh, thành phố. Hơn thế nữa, các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi tòa án chưa được người dân tin tưởng. Ở tất cả các tỉnh, thành phố, tỷ lệ người trả lời cho biết họ sẽ giải quyết tranh chấp dân sự ở tòa án địa phương cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ người lựa chọn giải quyết qua các thiết chế phi tòa án (tổ hòa giải, trọng tài...).

Và, hệ quả là: nếu như năm 2015, hơn 50% số người được hỏi cho biết đã đóng góp cho việc xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở xã/phường/thị trấn của họ; thì đến năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 38%. Điều này cho thấy, khi mức độ công khai, minh bạch, giải trình giảm thì niềm tin và sự sẵn sàng của người dân trong việc xã hội hóa các công trình công cộng nói riêng và các chủ trương chính sách của Nhà nước sẽ tỷ lệ thuận.

Nguyễn Minh