Chưa đủ sức hút

- Thứ Bảy, 14/05/2022, 07:08 - Chia sẻ

Cho đến thời điểm này, chỉ có 700/16.134 luật sư; 159/2.386 tổ chức hành nghề luật sư; 39/188 tổ chức tư vấn pháp luật tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý. Một con số hết sức khiêm tốn, trong bối cảnh số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý được mở rộng.

Xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý đã được đặt ra trong thời gian qua, gần đây nhất Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành quy định tăng mức bồi dưỡng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho luật sư; đồng thời theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thì việc tham gia trợ giúp pháp lý theo hai hình thức là ký hợp đồng và đăng ký tham gia theo các nội dung (điều kiện, tiêu chuẩn và việc thù lao, chi phí khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý).

Như vậy, bên cạnh việc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, Luật quy định thêm cơ chế ký hợp đồng với tổ chức và được chi trả thù lao khi thực hiện trợ giúp pháp lý. Quy định này, nhằm thu hút các luật sư có kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý, từ đó góp phần tăng chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP- LĐLSVN ngày 28.12.2016 về hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư.

Có thể thấy các quy định liên quan đã tương đối đầy đủ, song thực tế triển khai cho thấy, các quy định về huy động sự tham gia trợ giúp pháp lý của xã hội chưa đủ sức thu hút đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư tham gia. Hiện, mức thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý mặc dù đã tăng nhưng so với thị trường dịch vụ có thu thì còn rất thấp.

Theo quy định tại Thông tư số 59/2020/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước, nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động này bao gồm: từ ngân sách nhà nước cấp; nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có). Đối với địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, các địa phương có trách nhiệm ưu tiên bố trí ngân sách từ số bổ sung cân đối ngân sách hằng năm để hỗ trợ cho việc thực hiện trợ giúp pháp lý vụ việc phức tạp, điển hình theo quy định.

Thực tế triển khai công tác trợ giúp pháp lý cho thấy, ngoài vai trò nòng cốt của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thì sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trong công tác trợ giúp pháp lý là rất quan trọng. Song, hiện nay, tỷ lệ tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý còn quá thấp, chủ yếu là luật sư mới hành nghề, chưa có kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế với số lượng và chất lượng vụ việc tham gia tố tụng còn chưa cao.

Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc tiếp tục điều chỉnh mức thù lao, cần sớm có cơ chế khen thưởng, tôn vinh đối với các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý...; đồng thời Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư tham gia trợ giúp pháp lý tự nguyện, thực hiện nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp của luật sư theo quy định của Luật Luật sư và tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Khang Bình