Đề xuất này được nhiều lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, chuyên gia... đánh giá cao tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra.
Xây dựng Trung tâm chỉ huy an ninh tích hợp AI
Với sự phát triển của khoa học công nghệ và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động tích cực đến tất cả các lĩnh vực; trong đó, có giao thông. Theo Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á - Chi hội Việt Nam Trần Trọng Vinh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện các hành vi vi phạm đang là xu hướng cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn. Trong đó, Hệ thống giao thông thông minh (ITS) kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và cơ sở hạ tầng khác.
Hệ thống này sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới. Qua đó, tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông Hệ thống sẽ sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông, giúp giảm tắc nghẽn, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và giúp ngành giao thông - vận tải hoạt động hiệu quả hơn.
Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á - Chi hội Việt Nam Trần Trọng Vinh cho biết: Hệ thống ITS không phải là khái niệm quá mới mẻ, ý tưởng về hệ thống này đã được khởi xướng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước tại Mỹ và các nước Châu Âu. Đến nay, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới, như: Singapore, Barcelona, London…
Tại Việt Nam, đô thị hóa nhanh chóng là một thách thức đối với nhà quản lý cơ sở hạ tầng của thành phố. Lượng phương tiện giao thông ngày càng đông đúc nên tình trạng ùn tắc, tai nạn diễn ra thường xuyên. Trong khi đó, hệ thống quản lý giao thông truyền thống đã không đủ độ bao phủ để kiểm soát tất cả tuyến đường trong thành phố, rất khó để mở rộng quy mô phù hợp. Do đó, các thành phố cần xây dựng giải pháp thông minh để xử lý giao thông tốt hơn, cải thiện sự thoải mái, cũng như bảo đảm an toàn cho người lái xe, người đi bộ và hành khách.
“Cần thiết xây dựng Trung tâm chỉ huy an ninh tích hợp AI. Cụ thể, là xây dựng một Trung tâm chỉ huy an ninh với phần mềm quản lý Make in Vietnam, chủ động công nghệ, thống nhất về công tác thu thập, khai thác dữ liệu, hình ảnh để phục vụ yêu cầu bảo đảm an ninh trên mọi lĩnh vực quốc gia nói chung và lĩnh vực giao thông thông minh nói riêng là nhu cầu cần thiết”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trung tâm Chỉ huy an ninh tích hợp AI tận dụng được các hệ thống an ninh, cảnh báo đã triển khai lắp đặt từ trước trên cơ sở khai thác tối đa các hệ thống sẵn có và nguồn camera xã hội hoá. Áp dụng công nghệ hiện đại phân tích hình ảnh, dữ liệu nhằm cảnh báo, phát hiện kịp thời sự cố gây mất an ninh trật tự và truy tìm người, phương tiện dễ dàng, nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, việc xây dựng trung tâm sẽ mang lại kết quả to lớn trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn khi tạo ra hệ thống thống nhất để thu thập, trao đổi dữ liệu thông tin toàn tỉnh, có khả năng mở rộng kết nối toàn quốc…
Đồng bộ giải pháp kiểm soát hành vi nguy cơ cao
Cũng tại hội nghị, nghiên cứu về các hành vi nguy cơ cao dẫn đến TNGT trong học sinh, sinh viên cũng nhận được nhiều sự chú ý của các đại biểu tham dự. TS. Lê Thu Huyền (Trường Đại học Giao thông - Vận tải) cho biết: nạn nhân là học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ lớn trong TNGT đường bộ; để lại hậu quả nghiêm trọng, tổn thất nặng nề. Do đó, việc áp dụng các biện pháp ATGT cần được thực hiện đồng bộ để thu được hiệu quả triệt để với các thành phần của hệ thống giao thông.
Cũng theo TS. Lê Thu Huyền, 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT, gồm: vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn và ma túy, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Trên thực tế, các hành vi nguy hiểm này có phần gia tăng và hậu quả càng đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên. Tuy vậy, các giải pháp giải quyết hiện tại không có tác động lớn với nhóm đối tượng này; tỷ lệ tái phạm sau khi bị xử lý ở nhóm đối tượng này khá cao.
Theo TS. Lê Thu Huyền, phần lớn các nước trên thế giới đều có quy định nghiêm ngặt kiểm soát một số hành vi có nguy cơ cao dẫn tới TNGT. Tại hầu hết các quốc gia thực hiện thành công việc kiểm soát các hành vi vi phạm đều có điểm chung là: quy định pháp luật cụ thể, chi tiết cho từng hành vi; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
“Để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa tham gia giao thông đúng mực và an toàn, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp. Từ đó, cho phép thay đổi nhận thức và thói quen của người tham gia giao thông nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng”, TS. Lê Thu Huyền nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, những thông tin nhiều chiều từ hội nghị sẽ mang đến bức tranh toàn diện và những giải pháp mang tính khoa học; qua đó, xem xét, điều chỉnh quy định pháp luật, bổ sung những hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, giúp việc nâng cao ATGT hiệu quả hơn.