Xây dựng đô thị thông minh: Cần quyết tâm chính trị cao độ

- Thứ Hai, 02/05/2022, 09:20 - Chia sẻ
Do đô thị thông minh là việc mới và không dễ, vì vậy nhiều chuyên gia và ý kiến tham vấn cho rằng: ngoài thể chế, sự chuẩn bị nguồn lực, con người và hạ tầng, thì quan trọng nhất phải thay đổi tư duy từ người quản lý và cả bộ máy thì nội dung này có bước đột phá…

Hướng đi tất yếu

Hiện tại, các địa phương trong cả nước đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, qua đó cho thấy tăng trưởng kinh tế xã hội, chất lượng cuộc sống được cải thiện... Tuy nhiên, để từng đô thị phát triển bền vững, và quan trọng là hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, mặt trái của đô thi hóa thì xây dựng đô thị thông minh được coi là giải pháp trụ cột.

Trung tâm điều hành giao thông TP Hà Nội
Trung tâm điều hành giao thông TP Hà Nội

Ủy viên Thường thực Ủy ban Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố. Tuy nhiên quá trình này có một số đặc điểm chung đó là đô thị thông minh, TP thông minh sẽ giải quyết các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông… một cách tốt nhất, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. “Đô thị thông minh cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, người dân ứng xử văn minh hơn, được an toàn hơn. Các công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn để mọi người dân được tiếp cận dễ dàng. Đặc biệt, đô thị thông minh, TP thông minh sẽ đi đôi với giải pháp quản trị xã hội thông minh, các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn,” ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Thông tin từ Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lê Hoàng Trung, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án cho riêng mình.

Tuy nhiên, qua theo dõi Bộ Xây dựng nhận thấy, nhiều đô thị đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, đề án có thể vẽ nhiều bức tranh, nhưng không biết bắt đầu từ đâu!? “Với quản lý đô thị, định hướng phát triển là việc vô cùng lớn, nhất là nếu đô thị đó là tỉnh lỵ hoặc đô thị mang tính động lực của địa phương. Do vậy, quyết tâm chính là điều không thể gạt ra với quyết tâm xây dựng đô thị thông minh của chúng ta,” – ông Lê Hoàng Trung đặt vấn đề tại Tọa đàm   về xây dựng đô thị thông minh do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây.

Vẫn theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, thách thức lớn nhất với các địa phương là dù triển khai ồ ạt đề án, tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh vẫn là một câu chuyện!? Bởi chỉ khi hiểu đúng, thì địa phương mới biết đâu là vấn đề quan trọng nhằm tập trung nguồn lực thực hiện. Từ vai trò của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước... nếu không thống nhất được nhận thức, vai trò của từng bên thì khó có thể thực hiện.

Thay đổi tư duy để bắt kịp

Từ góc độ thực tiễn tại địa phương, Đại biểu HĐND TP Hà Nội Nguyễn Minh Đức chia sẻ, để một đề án thành công, quyết tâm chính trị của bộ máy vẫn là yếu tố quan trọng nhất. “Có hai ý mà tôi muốn đề cập ở đây. Thứ nhất là nhân sự hoạch định chính sách, cần có ý chí chính trị cao để luôn dành mối quan tâm thích đáng cho mô hình đô thị thông minh. Ý thứ hai là những người là đối tượng của đề án này, tức là người tham gia sử dụng các công cụ thông minh có nhiệt tình hưởng ứng hay không?” ông Đức đặt vấn đề.

Để đổi mới, bắt buộc công chức, viên chức phải đổi mới trước tiên. Được biết, hiện lãnh đạo thành phố Hà Nội đi đâu cũng phải có một cái máy tính bảng, vừa họp vừa xử lý công việc bởi tất cả mọi chỉ đạo, phúc đáp, tương tác… đều trên môi trường internet. Hiện thành phố Hà Nội rất hạn chế việc chuyển công văn, giấy tờ bản cứng. Theo ông Đức, riêng về mặt quản lý nhà nước, để thay đổi từ cách truyền thống sang hiện đại, mà cụ thể ở đây là thông qua những công cụ thông minh không hề dễ dàng.

Cần một quyết tâm chính trị cao trong lúc chưa có bộ tiêu chí chuẩn về đô thị thông minh
Cần quyết tâm chính trị cao trong lúc chưa có bộ tiêu chí chuẩn về đô thị thông minh

Ví dụ như lĩnh vực giáo dục, tất cả từ học hành cho đến kiểm tra điểm rồi quản lý, tương tác giữa nhà trường với phụ huynh, với cơ quan quản lý nhà nước đều trên trên điện thoại thông minh. Bên cạnh bộ tiêu chí áp dụng cho tất cả các đô thị trong cả nước, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định rằng, những đô thị lớn đặc biệt cần thiết xây dựng những công cụ để quản lý một thành phố thông minh với các lĩnh vực như giao thông, môi trường, cấp thoát nước, quy hoạch hay quản lý trật tự xây dựng…

Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chỉ ra nguyên nhân các địa phương cần một ý chí và quyết tâm chính trị cao độ. Đó là hiện chưa xác định được mô hình nào chuẩn cũng như chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện xây dựng đô thị thông minh. Vì vậy ông Hiếu cho rằng, khi xây dựng đô thị thông minh, cần phải có một bộ tiêu chí tối thiểu và phải mang tính định hướng, để các bên liên quan nhìn vào định hướng nên xây dựng cái gì, giải quyết vấn đề gì khi xây dựng thành phố thông minh. Đó là lý do rất cần sự thay đổi tư duy và quyết tâm cao của toàn bộ bộ máy công quyền.

 “Nói vậy để thấy rằng là chúng ta còn đầy tiềm năng để tiến tới một đô thị thông minh. Vấn đề còn lại là ý chí chính trị thống nhất, và cần phải cao hơn. Bởi vì khi thay đổi cả một phương thức thì khó tránh khỏi va chạm, chỗ này được hưởng lợi, chỗ khác bị thiệt thòi. Do đó tôi muốn nhấn mạnh, cùng với thể chế, chính trị, thì thay đổi cả tư duy, từ người quản lý cho đến công dân thì đó là vấn đề rất quan trọng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Nam Anh