Quyết liệt từ những bước đi đầu tiên
Giai đoạn 2019 - 2020, thành phố Hà Nội dành 265 tỷ đồng thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, toàn thành phố đã có hơn 300 sản phẩm được cấp sao mang lại giá trị kinh tế cao. Kết quả này giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thủ đô.
Kết quả tích cực
Theo Kế hoạch số 3629/KH-UBND của UBND thành phố về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 500 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp thành phố và 100 sản phẩm được đánh giá, phân hạng cấp quốc gia. Thành phố sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ đến cấp huyện, xã. Phấn đấu 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn. Đồng thời, triển khai ít nhất hai mô hình làng nghề gắn với phát triển du lịch. |
Huyện Đông Anh có nhiều làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là lợi thế để phát triển chương trình OCOP. Theo đó, toàn huyện có 133 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đến năm 2020, trong đó đã có 20 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP thuộc 3 nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ. Kết quả đã có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm còn lại đạt 3 sao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Linh, Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Tham gia chương trình này, người dân, doanh nghiệp, HTX sẽ được hỗ trợ các điều kiện để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng chính là động lực, giải pháp để các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp 4.0 với các sản phẩm có thể vươn ra thế giới.
Tương tự như Đông Anh, Thanh Trì cũng là một trong những huyện có nhiều vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả tập trung, nhiều làng nghề truyền thống mang đậm nét ẩm thực tiêu biểu… là lợi thế phát triển các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 90 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Mục tiêu của Thanh Trì đến 2020 có 45 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp thành phố (từ 3 - 4 sao). Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Đức Quỳnh cho biết, trong đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2019 đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đã bình xét, lựa chọn được 29 sản phẩm (rau, củ, quả; thịt lợn; giò, chả…) của các HTX, doanh nghiệp để đề nghị thành phố công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố.
![]() Nón lá làng Chuông - một trong những sản phẩm OCOP của huyện Thanh Oai, Hà Nội |
Ảnh: Tường Vy |
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 7.200 sản phẩm trong các nhóm ngành hàng Chương trình OCOP. Qua thực tế đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại nhiều địa phương thời gian qua đều cho kết quả tích cực. Trong đó, một số sản phẩm có tiềm năng đạt năm sao, đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia, gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh và bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh. Các sản phẩm hạng ba, bốn sao chủ yếu là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp của các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Thanh Oai, Thường Tín. Đáng chú ý, tại huyện Chương Mỹ, khi thực hiện phân hạng đã có hàng chục sản phẩm được công nhận đạt hạng ba, bốn sao. Gồm: Bánh ca-ra-men, chân gà ngâm sả ớt, bốn sản phẩm trứng của Công ty cổ phần Tiên Viên; sản phẩm hành lá, rau muống, rau cải, rau mùng tơi, quả cà chua, rau mùi ta của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn; gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú; các sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang và của Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (đều ở xã Phú Nghĩa).
Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Nguyễn Văn Chí cho biết, làng nghề và nông sản, đặc sản là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đa dạng gắn với các yêu cầu chính: Xây dựng NTM và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Giai đoạn 2019 - 2020, thành phố xác định vừa hoàn thiện, nâng cấp và đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP. Lộ trình sản phẩm OCOP theo chỉ tiêu của Trung ương giai đoạn 2019 - 2020 là khoảng 2.500 sản phẩm, Hà Nội sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn, khoảng 1.000 sản phẩm OCOP. Trong năm 2019, Hà Nội đã chấm hơn 300 sản phẩm, năm 2020 sẽ có khoảng 700 sản phẩm, trong đó có từ 500 sản phẩm cấp thành phố, 100 sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Mặc dù triển khai muộn hơn so với một số tỉnh, thành khác, nhưng Chương trình OCOP ở Hà Nội đang cho thấy hiệu quả nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với những cách làm bài bản, khoa học và kinh nghiệm đúc rút từ những mô hình đi trước. Kết quả là đáng ghi nhận, song cũng không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua trong thời gian tới.
Thực tế, Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất với khoảng 1.350 làng nghề, chiếm 1/3 làng nghề cả nước. Hơn nữa, thành phố đang dẫn đầu cả nước trong việc ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm bằng tem điện tử thông minh QR code (hơn 5.000 sản phẩm được gắn mã). Đây vừa là tiềm năng, vừa là nền tảng để phát triển chương trình OCOP. Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số huyện, phần lớn doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu mặt bằng sản xuất, đội ngũ lao động có tay nghề cao còn ít, thiếu nguồn vốn để đầu tư sản xuất nên giá trị sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, một số sản phẩm truyền thống có dấu hiệu bị mai một, suy giảm, khả năng cạnh tranh thấp do nguồn nguyên liệu sản xuất chưa ổn định. Chưa kể, hiện nay, hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng ở các làng nghề ngày càng xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Việc xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề chưa được chú trọng nên chưa gây được ấn tượng sâu sắc và thu hút khách du lịch.
Khắc phục những bất cập trên, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP và các chủ thể tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP nhằm huy động sự vào cuộc của chính quyền cơ sở; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Tiếp tục tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền, trình diễn văn hóa ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ của thành phố. Thông qua các hoạt động kết nối, sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng cao được tiêu thụ ở địa phương, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích…, góp phần “nâng chất” Chương trình OCOP trong thời gian tới.