Quốc Oai phát triển chăn nuôi tập trung
Thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa giá trị cao”, huyện Quốc Oai đã định hướng cho các hộ nông dân xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Nhờ đó, nông dân huyện đã có những bước đi vững chắc trong phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đứng vững trong “bão dịch”.
Hiệu quả kinh tế cao
Thay vì chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, nhiều năm qua, nhiều gia đình ở xã Cấn Hữu đã chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn theo mô hình trang trại. Hướng phát triển mới bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ở đây. Anh Nguyễn Văn Lâm (thôn Cấn Thượng) là một trong những người tiên phong, mạnh dạn đầu tư khu chăn nuôi tập trung ở xã. Những ngày đầu, với 13.000m2 đất được chuyển đổi, anh Lâm đi khắp các trang trại để học hỏi từ kỹ thuật, lựa chọn con giống, các loại thức ăn, tìm hiểu thị trường. Đến nay, sau nhiều năm gắn bó, mảnh ruộng trống ban đầu nay đã trở thành một trang trại VAC rộng lớn với 100 cây bưởi diễn trên diện tích hơn 2.000m2; hơn 5.000m2 nuôi thả cá chép lai; 1.200m2 xây dựng chuồng trại nuôi 80 lợn nái, 600 lợn thịt. Ngoài ra, gia đình anh Lâm chăn thả hơn 45.000 con gia cầm mang lại nguồn thu nhập ổn định. Anh Lâm phấn khởi cho biết: “Doanh thu mỗi năm trang trại của anh đạt khoảng 20 tỷ đồng, thu nhập ước tính dao động từ 500 - 800 triệu đồng/năm”.
![]() Mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai |
Ảnh: Tường Vy |
Chia sẻ về lợi ích từ việc chăn nuôi trang trại quy mô lớn, anh Lâm cho biết, thuận lợi lớn nhất là hạn chế được dịch bệnh. Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, trong khi nhiều hộ chăn nuôi phải lao đao thì gia đình anh Lâm không bị ảnh hưởng, vẫn xuất bán 100 con lợn thịt mỗi tháng và cho thu nhập ổn định. Việc chăn nuôi tập trung cũng tiết kiệm được chi phí đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Bên cạnh đó, chăn nuôi quy mô lớn giúp các hộ chăn nuôi có điều kiện liên kết được với các HTX, doanh nghiệp để chủ động về đầu ra cho sản phẩm, các hộ dân có điều kiện hỗ trợ nhau cùng phát triển sản xuất.
Cùng với gia đình anh Lâm, gia đình anh Cấn Văn Chiến cũng đã chuyển đổi từ trồng lúa sang đào ao thả cá và chăn nuôi vịt đẻ, kết hợp với trồng bưởi diễn. Theo anh Chiến, nuôi vịt đẻ trứng không vất vả, bởi vịt nuôi hiếm khi bị bệnh, chỉ cần lưu ý khi thời tiết thay đổi để không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Với quy trình chăn nuôi sạch, đàn vịt của gia đình có tỷ lệ đẻ khá cao, từ 90 - 95%, chất lượng trứng ngon, được các thương lái, nhà hàng thu mua ổn định. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi theo mô hình VAC giúp gia đình thuận tiện trong các khâu nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch - xuất bán. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình lãi gần 300 triệu đồng.
Không chỉ ở Cấn Hữu, nhiều hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện Quốc Oai đã và đang mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi trang trại tập trung mang lại hiệu quả. Tại xã Phú Cát, ngoài hàng trăm hộ chăn nuôi gia cầm trong khu dân cư, số lượng từ 100 - 1.000 con gà thương phẩm, xã đã có 2 điểm quy hoạch trang trại xa khu dân cư tại xứ đồng Làng Cốc và Gò Đống Vang với hơn chục hộ nuôi từ 5.000 - 10.000 con gà đẻ trứng và ấp nở con giống. Còn ở xã Đông Yên hiện có hàng trăm hộ chăn nuôi gà, trong đó có hơn 90 hộ nuôi từ 1.000 - 20.000 con, tập trung ở các thôn Yên Thái, Việt Yên. Trong đó, các hộ như gia đình các ông Bành Thế Trọng, Đỗ Hoàng Đạt, Lê Năm Thắng… ở thôn Yên Thái chăn nuôi gà thương phẩm từ 10.000 - 15.000 con, mỗi năm cho thu lãi 600 - 800 triệu đồng/hộ.
Nâng cao chất lượng, bảo đảm đầu ra ổn định
Năm 2020, huyện Quốc Oai phấn đấu thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.023,9 tỷ đồng, trong đó, phát triển sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Theo đó, huyện đề xuất thành phố thực hiện chính sách miễn giảm thuế thuê đất cho chủ trang trại, nhất là đối với đất xấu, đất hoang hóa, đất đồi rừng, đất bãi bồi, đất mặt nước để sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm, thành phố mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các chủ trang trại, tổ chức tham quan các trang trại quản lý kinh doanh giỏi để người dân có điều kiện học tập lẫn nhau. Từ đó, nâng cao kinh nghiệm và năng lực tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế. |
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, toàn huyện hiện có 554 trang trại, trong đó có 395 trang trại chăn nuôi, 120 trang trại trồng trọt, 5 trang trại nuôi trồng thủy sản và 34 trang trại tổng hợp. Qua khảo sát thực tế và quá trình đầu tư sản xuất xây dựng trang trại của các hộ cho thấy, bước đầu các trang trại đã khẳng định được ưu thế vượt trội của sản xuất trang trại tổng hợp trong việc vừa bảo đảm phát triển sản xuất kinh doanh, thu nhập cao và ổn định, vừa bảo vệ môi trường bền vững. Các mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi gia cầm thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi lợn thu nhập khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, các trang trại quy mô lớn cũng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Thị Sắc cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi nên huyện có nhiều trang trại chăn nuôi tập trung mang lại hiệu quả. Từ tháng 3.2019, trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã tiêu hủy 35.834 con lợn của 2.768 hộ. Để thực hiện tốt việc tái đàn lợn, duy trì và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, huyện đã triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa giá trị cao huyện Quốc Oai năm 2020, 2021 và định hướng đến năm 2025”.
Đến nay, toàn huyện có hơn 2,6 triệu con gia cầm, thủy cầm (tăng gần 500.000 con so với năm trước), trong đó, 135 trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, sản lượng 660.000 quả/ngày. Riêng đàn lợn, toàn huyện đã tái đàn được 28.600 con, đang tập trung phát triển mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại các xã: Phú Mãn, Đông Xuân, Cấn Hữu, nhằm cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn sản phẩm, thịt lợn an toàn mỗi năm. Năm 2020, Quốc Oai phấn đấu duy trì đàn trâu, bò, gà, vịt và tái đàn lợn đạt 36.000 con; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng dịch cúm gia cầm H5N6, bệnh dịch tả lợn châu Phi. Qua đó, góp phần ổn định sản xuất, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.
Trên thực tế, các trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện hiện đã liên kết bao tiêu sản phẩm với các công ty của nước ngoài và hình thành các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm đem lại đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Chuỗi liên kết thịt lợn sinh học của HTX dịch vụ Đồng Tâm, xã Cấn Hữu: chuỗi chăn nuôi, thực phẩm thịt gà, trứng của HTX thực phẩm Thành An, xã Cộng Hòa; Chuỗi Trứng gà Cấn Hữu, Gà Thả đồi Đông Yên... Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi khác vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ nên hoạt động sản xuất bấp bênh, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, huyện sẽ tập trung hỗ trợ nông dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.