9 cơ hội của nước Mỹ

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:35 - Chia sẻ
Thế giới, đặc biệt là nước Mỹ, bước khỏi năm 2020 không hẳn với toàn màu xám. Có những tia sáng mang lại nhiều hy vọng. Lực lượng văn minh và tiến bộ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bất chấp hệ thống chính trị quốc gia này vẫn còn phân cực và rối loạn, hứa hẹn mang lại sự hàn gắn cả trong lòng nước Mỹ và các thể chế đa phương. Sự ra đời của vaccine ngừa Covid-19 với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đã cho thấy sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ…

1.  WTO trước cơ hội tái sinh

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với các quy tắc giải quyết tranh chấp đã không còn phù hợp, đang đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo và sự đồng thuận Mỹ - EU, WTO đang càng làm gia tăng tình trạng phân mảnh thương mại toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và khiến thương mại bị chi phối phần lớn bởi các thỏa thuận khu vực. Giữa đại dịch Covid-19 kéo dài, vai trò mờ nhạt của WTO chỉ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, nếu không muốn nói là suy thoái.

Tái sinh hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc sẽ là hy vọng cho năm 2021, nhưng điều đó đòi hỏi phải thực hiện được 3 nhiệm vụ sau: Lựa chọn Tổng giám đốc mới cho WTO; hoàn thiện việc bầu thẩm phán cho cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức (hiện cơ chế gần như bị vô hiệu hóa do Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối bổ nhiệm các thẩm phán mới); và đặt cả hai nhiệm vụ trên vào tổng thể mục tiêu cải cách thể chế được hỗ trợ bởi Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Hàn Quốc.

2. Chủ nghĩa đa phương được cập nhật

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Joe Biden đã hứa sẽ làm sống lại các chính sách đa phương của Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, bước đi đầu tiên ông có thể tiến hành là đưa Mỹ trở lại tất cả cơ quan và thỏa thuận quốc tế mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WTO), Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hiệp định khí hậu Paris…

Bên cạnh đó, Mỹ cũng có cơ hội để đổi mới vai trò lãnh đạo của mình trong một hệ thống đã được cải tổ của LHQ. Khi đề cập đến việc giải quyết tình trạng thiếu hụt về quản trị không gian, vũ khí sát thương tự động cũng như các hình thức mới của công nghệ sinh học lưỡng dụng và địa kỹ thuật, hiện nay hầu như chưa có hoặc có rất ít hiệp định quốc tế điều chỉnh các lĩnh vực này. Thay vì chờ đợi cho đến khi thảm họa không thể tránh khỏi xảy ra trong các lĩnh vực này, nước Mỹ dưới chính quyền mới cùng với các quốc gia có trách nhiệm khác có thể ngăn ngừa nguy cơ cuộc khủng hoảng trong các lĩnh vực này bằng cách tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới để các công nghệ mới nổi có thể trở thành động lực phục vụ ích chung.

Mỹ có thể trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

3. Mỹ - Nga theo đuổi mối quan hệ được xây dựng trên lợi ích chung

Nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin đang ở trong tình trạng kém lạc quan, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến vô cùng đáng ngại, các khu vực nằm trong ảnh hưởng của Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn. Trong nước, giá dầu ở mức 40 - 50 USD đang phá hoại nền kinh tế Nga. Do đó, Putin có thể đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định hơn với Mỹ và châu Âu. Việc xây dựng lại mối quan hệ đó có thể bao gồm việc thiết lập một cấu trúc kiềm chế lẫn nhau - bắt đầu với việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí hạt nhân (New START). Cấu trúc này cũng có thể cần đến những tiến triển đối với một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine.

4. Nối lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng kế hoạch làm mới quan hệ chiến lược xuyên Đại Tây Dương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Nhà Trắng. Bản kế hoạch dài 11 trang, đã được trình các nguyên thủ châu Âu trong cuộc họp của EU hồi tháng 12 năm ngoái, kêu gọi Mỹ tận dụng thời cơ “trăm năm có một” để định hình quan hệ hợp tác mới, xóa bỏ những căng thẳng dưới thời ông Trump và đương đầu với “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc. Các quan chức châu Âu tin rằng nửa đầu năm 2021 là thời điểm thích hợp để khởi động chương trình nghị sự mới của EU và Mỹ.

Theo quan điểm của EU, mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cần được “duy trì và làm mới” nếu phương Tây muốn bảo vệ quyền lợi của mình trước các cường quốc đối thủ. EU muốn đề xuất “chương trình nghị sự Mỹ - EU mới vì những thay đổi trên toàn cầu”, đề xuất xây dựng lực lượng chung giữa Mỹ và châu Âu để xây dựng hệ thống pháp lý về công nghệ số, bao gồm việc theo đuổi cách tiếp cận chung về chống độc quyền thương mại, bảo vệ dữ liệu, giám sát các khoản đầu tư từ nước ngoài, chống tội phạm mạng…

EU cho rằng, mối quan hệ Mỹ - EU bị rạn nứt trong 4 năm dưới thời Tổng thống Donald Trump đã giúp Trung Quốc nắm thế chủ động trong bàn cờ địa chính trị thế giới.

5. Quan hệ Israel với các nước Ảrập dòng Sunni được cải thiện

Việc Mỹ thành công giúp Israel bình thường hóa quan hệ với một loạt nước Ảrập dòng Sunni như Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan có thể là trái ngọt duy nhất mà Tổng thống Donald Trump đã để lại cho Biden.

Có lập trường cứng rắn với Ảrập Xêút quanh vấn đề nhân quyền, cuộc chiến Yemen và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, Tổng thống đắc cử Biden tuyên bố sau khi nắm quyền sẽ xem xét lại quan hệ song phương và trừng phạt giới lãnh đạo Riyadh vì vụ sát hại nhà báo. Tuy vậy, một nhà ngoại giao ở Riyadh lại đánh giá triển vọng Ảrập Xêút bình thường hóa quan hệ với Israel dưới thời chính quyền Washington do Tổng thống đắc cử Biden nắm quyền lại sáng sủa hơn bởi đây có thể là củ cà rốt để Mỹ tránh vấn đề nhân quyền. Bước tiếp theo của Washington sẽ là tạo điều kiện cho một hiệp định thương mại tự do khu vực và hiệp ước đầu tư giữa các quốc gia Sunni và Israel.

6. Mỹ trở lại với quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương

Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush và Obama đã khởi động Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một trụ cột trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm hình thành các quy tắc thương mại trong thế kỷ XXI ở khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Logic là bằng cách tạo ra một thỏa thuận với các quy tắc tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường và thương mại điện tử cho 40% nền kinh tế thế giới, Mỹ và các đối tác của họ có thể buộc Trung Quốc cuối cùng phải tuân theo các quy tắc đó. Tuy nhiên, dưới thời của mình, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi TPP, khiến Mỹ bị gạt ra bên lề. Nhật Bản đã cùng với 11 thành viên khác đã thúc đẩy một phiên bản thu nhỏ của hiệp định với tên gọi CPTPP, mà Tokyo đã để ngỏ những điều kiện để Mỹ có thể tái gia nhập. Gia nhập TPP sẽ là một cách quan trọng để Mỹ giành lại không gian kinh tế khu vực mà Mỹ đã bỏ trống, khôi phục uy tín cũng như củng cố vai trò lãnh đạo trong việc hoạch định luật lệ kinh tế. Ông Biden đã cho thấy sự quan tâm đến việc quay trở lại TPP nhưng cũng tỏ ý lo ngại về các yếu tố của nó. Mặc dù vậy, để có thể thúc đẩy việc xem xét lại hiệp định, việc đầu tiên Mỹ cần làm là có được một chỗ ngồi trên bàn đàm phán.

7. Trí tuệ nhân tạo và các hình thức hợp tác mới

Trên cơ sở Bộ quy tắc và đạo đức về trí tuệ nhân tạo (AI) mà Trung Quốc, Mỹ, EU và một số nước khác đã lần lượt thông qua, cộng đồng quốc tế đều có sự đồng thuận về việc cần phải có những tiêu chuẩn và quy chuẩn chung liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm: Quy định về an toàn về mặt kỹ thuật, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong việc đánh giá thất bại, bảo đảm quyền riêng tư và quản trị dữ liệu tốt cũng như những mục tiêu phục vụ xã hội và môi trường. Một bước đi như vậy có thể cung cấp định hướng cho các tổ chức quốc tế và quốc gia xây dựng các quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực trong khi tối đa hóa lợi ích tiềm năng từ AI. Với tư cách là các nước đi đầu trong lĩnh vực AI, Mỹ và Trung Quốc nên bắt đầu đối thoại về vấn đề này.

8. Cần “Dự án Manhattan” cho những đột phá về lưu trữ năng lượng

Trở ngại lớn nhất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hậu xăng dầu là vấn đề dự trữ năng lượng. Pin tốt hơn, rẻ hơn sẽ giúp giảm chi phí và tăng dung tích, khiến ô tô điện trở nên rẻ hơn và hấp dẫn hơn. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió khá phụ thuộc vào tự nhiên, vì vậy việc lưu trữ năng lượng là chìa khóa để mở ra các nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh. Những loại pin hiệu quả hơn, có khả năng tiết kiệm chi phí hơn là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và năng lượng xanh. Chính quyền mới của Mỹ nên kêu gọi sự ủng hộ của Quốc hội, các bang, doanh nghiệp và phòng thí nghiệm quốc gia để thành lập một Ủy ban Quốc gia hợp tác công - tư thúc đẩy những đột phá trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng.

9. Vaccine mang tính toàn cầu

Sự phát triển nhanh chóng của vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2020 là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và nghiên cứu tích lũy, tất cả đều cho phép công nghệ sinh học phát triển với tốc độ chưa từng có để chống lại các loại virus mới. Tuy nhiên, thế giới có thể tạo ra lợi ích công cộng toàn cầu bằng cách phát triển một loại vaccine mang tính phổ cập để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo. Mỹ nên đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để tạo ra một loại vaccine ngừa Covid-19 mang tính phổ quát này trên cơ sở hợp tác giữa Tổ chức Y tế thế giới, Viện Y tế Quốc gia Mỹ và các cơ chế hợp tác phòng, chống virus Corona khác.

Đạt Quốc
Theo National Interest