Tập trung chăm lo tại cơ sở
Theo Báo cáo nhanh Tình hình quan hệ lao động và kết quả chăm lo cho đoàn viên, người lao động Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền lương năm 2024 bình quân của NLĐ ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023; tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng, tăng 13% mức thưởng dịp so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể giảm so với dịp trước Tết Nguyên đán năm 2024, các cuộc ngừng việc tập thể giảm cả về tính chất và quy mô…
Các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tiếp tục được tổ chức ở 4 cấp công đoàn, tập trung tại cơ sở, ưu tiên chăm lo cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, thiên tai, bão lũ; ĐV, NLĐ thiếu, mất việc làm; ĐV, NLĐ thuộc đối tượng gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán; ĐV, NLĐ không về quê đón Tết để làm việc, lao động, sản xuất.
Chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng” được tổ chức trong không khí vui mừng, phấn khởi chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuỳ tình hình tại cơ sở, Chương trình được tổ chức cùng với Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” phục vụ nhu cầu vừa vui xuân, đón Tết, vừa mua sắm Tết của ĐV, NLĐ.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thăm hỏi, tổ chức các trò chơi dân gian, thi nấu ăn, cắm hoa, trang trí, gói bánh trưng, bày mâm ngũ quả, khám sức khoẻ, tư vấn pháp luật miễn phí, tặng quà, tặng vé tàu, vé xe, trao nhà “Mái ấm công đoàn”... cho ĐV, NLĐ cũng diễn ra sôi nổi, đồng loạt ở các Chương trình. Qua đó, tạo nên bầu không khí vui tươi, đầm ấm, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa tổ chức Công đoàn với ĐV, NLĐ. Các hoạt động chăm lo Tết của tổ chức Công đoàn tạo ra lan toả đến các cấp chính quyền đồng cấp, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Theo báo cáo nhanh và chưa đầy đủ của các địa phương, đơn vị, trong dịp Tết Nguyên đán 2025, đã có trên 8,6 triệu lượt ĐV, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn, với tổng kinh phí hơn 4.750,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn tài chính công đoàn là 3.054,5 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa ủng hộ nguồn kinh phí chăm lo cho ĐV, NLĐ 1.696 tỷ đồng (chiếm 35,7%). Với mức chi cụ thể như: cấp Tổng Liên đoàn chi 256,5 tỷ đồng; cấp tỉnh, thành phố, ngành và tương đương chi 342 tỷ đồng; cấp trên trực tiếp chi: 956 tỷ đồng; cấp cơ sở chi: 1.500 tỷ đồng.
Tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ, quay lại làm việc sau Tết
Để tiếp tục cải thiện tình hình lao động, chăm lo tốt hơn cho ĐV, NLĐ trước trong và sau tết, các cấp Công đoàn tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của ĐV, NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều lao động. Chủ động đề xuất, phối hợp với chủ sử dụng lao động tạo thuận lợi cho ĐV, NLĐ nghỉ Tết và quay trở lại làm việc sau Tết. Chủ động xây dựng các biện pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền để mọi ĐV, NLĐ đón Tết vui tươi, đầm ấm, thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ trong, sau Tết.
Cùng với đó, Công đoàn phối hợp với chủ sử dụng lao động tuyên truyền, vận động ĐV, NLĐ quay trở lại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đúng thời gian quy định, tiếp tục tổ chức đón ĐV, NLĐ quay lại làm việc. Nắm chắc tình hình người lao động quay lại làm việc ngay sau Tết. Tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, chúc Tết ĐV, NLĐ, doanh nghiệp để tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày làm việc đầu xuân, bảo đảm việc trở lại làm việc bình thường ngay sau nghỉ Tết. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.