8 sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn

PV 19/11/2014 08:39

Nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với các bảo tàng Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, tổ chức trưng bày chuyên đề Văn hóa Đông Sơn, khai mạc ngày 18.11 tại số 1 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. 272 hiện vật, di vật được trưng bày theo 8 nhóm: trống đồng, công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, vũ khí, nhạc cụ, đồ trang sức - nghệ thuật, đồ minh khí và hiện vật giao lưu văn hóa.

Theo Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn, văn hóa Đông Sơn có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc, là cơ sở vật chất cho việc hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, là nền tảng cho sự hình thành bản sắc văn hóa Việt cổ cũng như văn minh Đại Việt sau này. Văn hóa Đông Sơn có địa bàn phân bố rộng, gồm nhiều nhóm di tích có niên đại khác nhau. Sau 90 năm phát hiện và nghiên cứu (1924 - 2014), riêng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ khoảng 10.000 tài liệu, hiện vật về văn hóa Đông Sơn, từ đồ đồng đến đồ gỗ, thủy tinh, đá… Tuy nhiên, với tính chất của một phòng trưng bày chuyên đề trong thời gian ngắn (đến tháng 4.2015), không gian hữu hạn (200m2) và sự hạn chế của số lượng, loại hình hiện vật trong kho bảo quản của các bảo tàng, nên phòng trưng bày chỉ giới thiệu một số loại hình tiêu biểu thuộc giai đoạn Đông Sơn điển hình, trong đó có một số bảo vật quốc gia, như trống đồng Hoàng Hạ, thạp Đào Thịnh, thạp Hợp Minh, tượng người cõng nhau thổi khèn…

Trống đồng Đông Sơn (còn gọi là trống H1 theo phân loại của F. Heger) được sản sinh trực tiếp từ văn hóa Đông Sơn, biểu hiện cao nhất cho công nghệ đúc đồng của người Việt cổ. Có thể ban đầu chúng được sử dụng phổ biến với tư cách là một nhạc khí quan trọng, nhưng dần dần đã trở thành biểu tượng quyền lực của các thủ lĩnh Đông Sơn, là biểu tượng tồn vong của cộng đồng cư dân Lạc Việt. Cho tới nay, hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn. Một số trống đồng Đông Sơn điển hình cũng được tìm thấy ở nhiều nơi thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nhưng những chiếc trống đẹp nhất thuộc nhóm A như Ngọc Lũ, Hoàng  Hạ, Sông Đà, Cổ Loa chỉ phát hiện được ở Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho trình độ, trí tuệ, tài năng sáng tạo của cư dân Đông Sơn, là biểu hiện rõ nét, tập trung của nền văn minh Việt cổ. Lựa chọn trưng bày lần này có trống Cổ Loa, trống Làng Vạc, trống Lào Cai, trống Thành Vinh, trống Đông Sơn IV, trống Đắk Lắk, trống Động Xá và trống Tùng Lâm.

Ấm đồng Trống đồng Làng Vạc
Ấm đồng
8 sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn ảnh 2
Trống đồng Làng Vạc

Bên cạnh nhạc cụ quan trọng nhất là trống đồng, trong văn hóa Đông Sơn còn một loại nhạc cụ được dùng phổ biến là chuông nhạc, thể hiện qua trang trí trên đồ đồng Đông Sơn và được tìm thấy khá nhiều tại các địa điểm khảo cổ học. Phần trưng bày sưu tập nhạc khí giới thiệu sưu tập chuông khá đặc biệt của Bảo tàng Lào Cai và chuông Mật Sơn, chuông Việt Khê, các loại quả nhạc đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chuông đồng Đông Sơn có 2 loại là chuông gõ và chuông lắc. Chuông gõ có kích thước khá lớn, hình nửa bồ dục dẹt hoặc hình thang cân, dùng dùi gõ vào chuông để phát ra âm thanh. Chuông lắc thường có kích thước nhỏ, nhưng khá đa dạng về hình dáng, còn được gọi là quả nhạc. Bên trong loại chuông này có treo quả lắc, khi rung lắc, quả lắc sẽ va vào chuông phát ra âm thanh. Trong dàn nhạc cụ Đông Sơn còn có trống da, khèn, sênh, phách… Tuy nhiên, tới nay chúng ta mới chỉ biết về các loại nhạc cụ này qua hình ảnh khắc họa trên trống đồng, thạp đồng… hoặc qua điêu khắc như tượng người cõng nhau thổi khèn, tượng người thổi khèn gắn trên muôi đồng Việt Khê. Có thể do được làm bằng các chất liệu kém bền vững, nên những loại nhạc cụ này đã bị hủy hoại bởi môi trường, thời gian.

Sưu tập trang sức, nghệ thuật với vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá và bằng thủy tinh, trâm cài tóc… cho thấy kỹ thuật chế tác, kiểu dáng và hoa văn trang trí cầu kỳ, đa dạng và tinh tế. Đáng chú ý là những loại trang sức được gắn theo nhiều quả nhạc đồng, phục vụ những lúc nhảy múa, tạo ra âm thanh, tiết tấu và cao độ. Trang sức thủy tinh phát hiện ở văn hóa Đông Sơn chủ yếu gồm vòng tay, khuyên tai và hạt chuỗi. Với ưu thế của chất liệu, qua nấu chảy, ép khuôn và gia công mài, tu sửa, đánh bóng nên thanh mảnh, cân đối và nhiều màu sắc. Ngoài 2 chất liệu nêu trên, người Đông Sơn còn chế tác và sử dụng trang sức đá. Đây là bằng chứng về nghề chế tác đá dù đã suy giảm mạnh khi kỹ nghệ đúc đồng phát triển tới đỉnh cao, nhưng vẫn tồn tại trong văn hóa Đông Sơn.

Nghệ thuật tạo tượng trong văn hóa Đông Sơn cũng tương đối phát triển. Khi tạo tượng, người Đông Sơn mô tả chính mình và và thế giới động, thực vật gần gũi trong cuộc sống: voi, hổ, hươu, chó, gà, cóc, nhái, chim, rùa, rắn, quả bầu, bông lúa… Có hai dòng chính là tượng tròn và tượng trang trí. Trong khi tượng tròn là tác phẩm điêu khắc độc lập thì tượng trang trí được gắn làm đẹp cho những đồ vật quý giá. Nhiều loại tượng được trưng bày dịp này như tượng người cõng nhau thổi khèn, một số tượng động vật như cóc, chim, gà, rùa, chim đậu lưng voi…

Tượng người cõng nhau thổi khèn
Tượng người cõng nhau thổi khèn

Ngoài hiện vật, phòng trưng bày còn sử dụng các tài liệu khoa học như: bản đồ phân bố các địa điểm văn hóa Đông Sơn, bảng thống kê, phân loại đồ đồng, đồ gốm theo đặc trưng 3 loại hình địa phương của văn hóa Đông Sơn; bản vẽ kỹ thuật các loại hình tiêu biểu của đồ đồng, đồ gốm, đồ sắt, đồ trang sức; bản vẽ kỹ thuật mặt cắt địa tầng của một số di tích tiêu biểu; ảnh chụp các hiện vật và di tích tiêu biểu, các ấn phẩm liên quan đến văn hóa Đông Sơn của học giả trong và ngoài nước…

    Nổi bật
        Mới nhất
        8 sưu tập hiện vật về văn hóa Đông Sơn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO