Thận là hai cơ quan hình hạt đậu, màu đỏ, mỗi quả thận có kích thước to bằng nắm bàn tay, nằm ở khoang bụng sau phúc mạc đối xứng nhau qua cột sống.
Ngoài chức năng chính là lọc máu và chất thải, thận cũng có nhiệm vụ bài tiết nước tiểu. Những chất thải và tạp chất được lọc ra khỏi máu, lưu trữ ở bàng quang rồi thải ra ngoài qua nước tiểu.
Bên cạnh đó, thận của bạn còn đóng vai trò trong việc điều chỉnh nồng độ pH, muối và kali trong cơ thể. Hỗ trợ sản xuất các hormone điều chỉnh huyết áp và kiểm soát số lượng các tế bào hồng cầu. Hơn nữa, bộ phận quan trọng này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin D3, điều chỉnh các chức năng của cơ bắp.
Dưới đây là một số lời khuyên để giữ thận luôn khỏe mạnh:
Vận động thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên không chỉ tốt sức khỏe tổng thể mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Ngoài ra, khi vận động sẽ làm giảm huyết áp và tăng cường sức khỏe tim mạch, cả hai điều trên đều quan trọng trong việc ngăn ngừa các tổn thương thận.
Không nhất thiết phải vận động mạnh, các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, chạy, đạp xe, khiêu vũ… đều có lợi cho sức khỏe. Hãy chọn một vài hoạt động khiến bạn cảm thấy yêu thích và vui vẻ khi tập luyện. Như vậy sẽ dễ dàng để hình thành thói quen vận động, tập luyện hàng ngày hơn.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Những người mắc bệnh tiểu đường, hoặc có lượng đường trong máu cao, có thể dẫn đến các tổn thương thận.
Khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng glucose trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc các tạp chất. Tình trạng này tích tụ trong nhiều năm có thể dẫn đến các biến chứng đe nguy hiểm dọa tới tính mạng.
Theo dõi huyết áp thường xuyên
Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận. Nếu huyết áp cao kết hợp cùng với các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, bệnh tim hoặc cholesterol cao thì sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe.
Chỉ số huyết áp của người khỏe mạnh là 120/80. Chỉ số cảnh báo tiền cao huyết áp nằm trong khoảng 139/89. Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể giúp điều chỉnh huyết áp khi có các dấu hiệu bất thường.
Nếu chỉ số huyết áp luôn ở mức trên 140/90 thì có thể bạn đã mắc bệnh cao huyết áp. Khi có triệu chứng, nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ và theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và dùng thuốc nếu được kê đơn.
Kiểm soát cân nặng và có chế độ dinh dưỡng phù hợp
Những người thừa cân hoặc béo phì có nhiều nguy cơ mắc các căn bệnh gây hại cho thận, bao gồm: bệnh tiểu đường, bệnh tim và bệnh thận.
Một chế độ ăn uống cân bằng, ít natri, thịt đã qua chế biến và các thực phẩm gây hại cho thận khác có thể giúp giảm nguy cơ gây tổn thương thận. Nên thay đổi chế độ ăn với các nguyên liệu tươi có hàm lượng natri thấp như súp lơ, quả việt quất, cá, ngũ cốc nguyên hạt…
Uống nhiều nước
Uống nước thường xuyên rất tốt cho thận. Nước giúp loại bỏ natri, chất độc khỏi thận và làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.
Nên đặt mục tiêu uống ít nhất 1,5 đến 2 lít nước một ngày. Lượng nước cần nạp vào bao nhiêu phụ thuộc phần lớn vào sức khỏe và lối sống của mỗi người. Các yếu tố như khí hậu, tập thể dục, giới tính, sức khỏe tổng thể và đặc biệt với phụ nữ mang thai hay đang cho con bú là những yếu tố quan trọng cần xem xét khi lập kế hoạch uống nước hàng ngày.
Những người trước đây bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn bình thường để giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi trong tương lai.
Không hút thuốc
Hút thuốc làm hỏng các mạch máu trong cơ thể một cách từ từ. Lâu dần việc này dẫn đến lưu lượng máu đi khắp cơ thể và thận của người hút thuốc trở nên chậm hơn. Hơn nữa, hút thuốc cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư thận.
Kể cả khi muốn cai thuốc cũng sẽ mất nhiều năm thì cơ thể và các cơ quan nội tạng, đặc biệt là thận mới có thể cân bằng lại và giảm thiểu được rủi ro gây bệnh từ thuốc lá.
Lưu ý khi sử dụng thuốc không kê đơn
Nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) có thể gây tổn thương thận. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên để điều trị đau mãn tính, nhức đầu hoặc viêm khớp.
Theo chuyên gia, những loại thuốc này không nên dùng quá 10 ngày đối với các cơn đau hoặc hơn ba ngày đối với cơn sốt. Chú ý uống nhiều nước khi dùng thuốc.
Hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn cho thận trong trường hợp buộc phải sử dụng các loại thuốc trên.
Kiểm tra chức năng thận tại bệnh viện khi xuất hiện nguy cơ
Nên đi kiểm tra chức năng thận thường xuyên để bảo vệ sức khỏe cho cơ quan này. Những nhóm người sau đây nên đi sàng lọc thường xuyên:
- Những người trên 60 tuổi
- Những người bẩm sinh nhẹ cân
- Những người mắc bệnh tim mạch hoặc có thành viên gia đình mắc bệnh này
- Có tiền sử gia đình hoặc chính bản thân bị huyết áp cao
- Những người béo phì, thừa cân
- Khi cơ thể có dấu hiệu bị tổn thương thận
Có ý thức bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa sẽ giúp làm chậm bất kỳ sự tiến triển bệnh tật nào trong tương lai.