7 trường Đại học Kỹ thuật gồm: Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Hợp tác toàn diện
Mục tiêu hợp tác này là nhóm 07 Trường cùng nhau phát triển, phát huy thế mạnh của mỗi Trường một cách toàn diện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, kiểm định chất lượng giáo dục, truyền thông, chuyển đổi số, hợp tác đối ngoại; tiến tới hình thành nhóm các trường kỹ thuật tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và quản trị đại học.
Hoạt động hợp tác bao gồm 6 nội dung quan trọng như: Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao.
Tăng cường phối hợp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ lĩnh vực công nghệ cao trọng tâm trong các ngành KH, CN mũi nhọn như CNTT, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động hóa, Công nghệ chế tạo, Xây dựng, Giao thông, Cơ khí, Năng lượng tái tạo, Vật liệu tiên tiến, Quản lý xây dựng và các ngành/lĩnh vực phục vụ tăng trưởng xanh.
Tổ chức trao đổi, xây dựng cơ chế chung trong phối hợp đào tạo về lĩnh vực vật liệu mới, vật liệu bán dẫn, vi điện tử, thiết kế vi mạch, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng mạng lưới hạ tầng chuyển đổi số cho phép trao đổi tài nguyên số giữa các Trường như thông tin, thư viện, học liệu số … liên quan đến lĩnh vực Công nghệ cao.
Chia sẻ kinh nghiệm trong quản trị đại học, chiến lược quản trị hướng tới tự chủ đại học, đại học thông minh, đại học số để tạo điều kiện phát triển các hoạt động đào tạo, nghiên cứ khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tăng cường phối hợp nghiên cứu và triển khai áp dụng mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và với điều kiện của từng trường đại học nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ công cao tại Việt Nam.
Được biết, nhóm 7 trường đại học kỹ thuật lớn này đã được thành lập từ tháng 6.2020. Đến nay, nhóm 7 trường đã thống nhất và ký kết 9 biên bản ghi nhớ ở các nội dung từ tuyển sinh, chương trình đào tạo, quản trị đại học, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, phục vụ cộng đồng...
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, việc ký kết hôm nay của 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực công nghệ cao vô cùng quan trọng và có ý nghĩa tạo tiền đề và bước khởi đầu trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập của đất nước.
Nguồn nhân lực công nghệ cao là yếu tố then chốt cạnh tranh giữa các quốc gia
Trước đó, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao, trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh mới, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN lần thứ tư như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như đầu tư và phát triển các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây chính là nguồn nhân lực nền tảng phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là những lĩnh vực then chốt.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ dẫn đến nguy cơ lớn nhất làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ đại học, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ làm lực lượng nòng cốt của đội ngũ nhân lực công nghệ cao; trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ nhân lực tài năng STEM phục vụ phát triển một số lĩnh vực công nghệ then chốt cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh.
Bộ GD-ĐT mong muốn Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045 sẽ tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, cụ thể: Hơn 2.000 người có trình độ tiến sĩ các ngành STEM đang làm việc ở nước ngoài được tuyển dụng làm giảng viên đại học trong nước, trong đó trên 50% có chuyên môn thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt.
Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm), trong đó ít nhất 20% thuộc các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.
Khoảng 50 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận thuộc các lĩnh vực STEM trong đó có 30 nhóm thuộc các lĩnh vực công nghệ then chốt; thứ hạng về công bố quốc tế trong các lĩnh vực STEM được cải thiện liên tục.
Phát triển mạng lưới cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM trở thành hạt nhân, nòng cốt của hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo về các lĩnh vực công nghệ then chốt tại các vùng kinh tế, trong đó: Hình thành khoảng 6 đến 10 cơ sở GDĐH trọng điểm về STEM trong mỗi lĩnh vực công nghệ then chốt gồm : Công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh.
Theo Dự thảo đề án, dự kiến tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng chưa bao gồm: Phần kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên (đã có trong đề án thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ); Phần kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu đặc thù của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và doanh nghiệp; Phần kinh phí đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu xuất sắc theo hình thức hợp tác công-tư (thực hiện theo đề án riêng).