Hezbollah tổn thất nghiêm trọng
Chỉ trong hơn một tuần, các cuộc không kích dữ dội của Israel vào các tòa nhà ở phía Nam Beirut, Lebanon đã giết chết bảy chỉ huy và quan chức cấp cao của nhóm chiến binh Hezbollah hùng mạnh, bao gồm cả thủ lĩnh của nhóm này, Hassan Nasrallah. Những người khác ít được biết đến hơn ở thế giới bên ngoài, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Hezbollah.
Lực lượng quân sự và chính trị hùng mạnh nhất của Lebanon hiện đang cố gắng phục hồi sau những đòn giáng mạnh mẽ khi mất đi những thành viên chủ chốt đã lãnh đạo Hezbollah kể từ khi thành lập vào đầu những năm 1980.
Động thái này khiến Lebanon và nhiều nước Trung Đông sửng sốt trong khi Israel đã ăn mừng chiến thắng.
Liệu Vòm Sắt có bị rung chuyển?
Vụ ám sát các quan chức cấp cao, trong đó có thủ lĩnh Nasrallah là đòn giáng mạnh và mới nhất vào Hezbollah, sau khi Israel cho phát nổ hàng ngàn thiết bị liên lạc của các thành viên. Câu hỏi đặt ra là: Hezbollah - hay thậm chí là Iran - sẽ làm gì?
Về phần Hezbollah, CNN nhận định nhóm lãnh đạo cấp cao trước tiên sẽ đánh giá về cách thức họp mặt, liên lạc và phản ứng. Hiện vẫn chưa rõ sẽ có những yếu tố nào tác động đến hành động của lực lượng này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những thất bại vừa qua chưa đủ để Hezbollah suy yếu hoàn toàn.
"Cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah chịu đòn giáng mạnh nhất kể từ khi thành lập" – ông Hanin Ghaddar, thành viên cấp cao tại Viện Washington, nhận định. Tuy nhiên, ông Ghaddar cho hay nhóm này vẫn còn những chỉ huy thiện chiến, cũng như nhiều khí tài mạnh, trong đó có tên lửa dẫn đường chính xác hay tên lửa tầm xa có thể gây thiệt hại lớn tới cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel.
Cho đến nay, Hezbollah chưa bắn loạt tên lửa nào tác động đáng kể tới các mục tiêu của Israel. Ngay cả sau khi ông Nasrallah bị ám sát, nhóm vẫn chưa giáng đòn trả đũa mạnh tới mức khiến hệ thống phòng không Vòm Sắt và lưới điện của Israel bị rung chuyển. Theo cựu quan chức tình báo Mỹ Jonathan Panikoff, Hezbollah gần như chắc chắn sẽ đáp trả. "Phản ứng đủ lớn để khả năng xung đột toàn diện tăng vọt" - ông nói.
Còn Iran, nước này tỏ ra thận trọng trước khả năng tham gia giao tranh trực tiếp với Israel. Giới quan sát nhận định việc Iran trực tiếp trả đũa có thể sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột.
Trong khi đó, khả năng đàm phán ngoại giao là rất hạn chế, đặc biệt khi những nỗ lực suốt nhiều tháng qua nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong xung đột Dải Gaza chưa đạt được tiến triển.
"Không có cuộc xung đột tiêu hao nào trong số này sẽ sớm kết thúc và cũng sẽ không có một kết cục ngoại giao tốt đẹp như trong các bộ phim Hollywood" – ông Aaron David Miller, cựu đàm phán viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Trung Đông, nhấn mạnh.
"Tốt nhất nên tập trung vào quản lý xung đột và có thể là các thỏa thuận giữa Hezbollah, Israel, và Iran để kiềm chế giao tranh" - ông nói thêm.
Tổng thống Mỹ sẽ “nói chuyện” với Thủ tướng Israel
Phát biểu ngày 29.9, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tin rằng cần phải tránh một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông. “Phải như vậy. Chúng ta thực sự phải tránh điều đó”. Tuyên bố của ông Biden được đưa ra khi sau khi Israel tấn công dữ dội vào bên trong Lebanon để tiêu diệt các thành viên Hezbollah.
Cũng trong ngày 29.9, Người phát ngôn Cơ quan An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby né tránh các câu hỏi của CNN về việc liệu chính quyền Mỹ có đồng ý với cách Israel đang nhắm vào các nhà lãnh đạo Hezbollah hay không, những người mà Israel cho biết đã xây dựng các cấu trúc chỉ huy và các cơ sở ngay gần hoặc bên dưới các địa điểm dân sự. Các cuộc không kích, theo các quan chức Lebanon, cũng đã giết chết nhiều thường dân vô tội.
Nhà Trắng tiếp tục kêu gọi Israel và Hezbollah đồng ý ngừng bắn tạm thời trong 21 ngày theo đề xuất của Hoa Kỳ, Pháp và các nước khác vào tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Kirby cho biết: “Nếu bạn muốn đưa người dân trở về nhà một cách an toàn và bền vững, chúng tôi tin rằng con đường ngoại giao là hướng đi đúng đắn”.