Về khu vực làm việc, gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp, 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện.
Nguyên nhân, do hai vùng này tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh. Đáng chú ý, gần 4,85 triệu người đã rời bỏ hệ thống an sinh trong giai đoạn 2016-2022. Trong đó, gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại.
Khảo sát hồi tháng 5 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tình trạng nhảy việc của công nhân khá phổ biến, thời gian gắn bó với doanh nghiệp ngắn, đặc biệt ở các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai.
Đơn cử, một doanh nghiệp ở Tây Ninh hoạt động 8 năm nhưng thời gian gắn bó bình quân của lao động khoảng 2,6 năm. 30% công nhân trong đó gắn bó 1-3 năm, 24% làm việc 3-5 năm và 17% trên 5 năm. Doanh nghiệp khác ở Đồng Nai thành lập gần 30 năm, nhưng số năm gắn bó bình quân của công nhân là 7.
Hơn 60% trong số 1.300 công nhân tham gia khảo sát nói muốn đổi nghề, thử sức với công việc khác như làm việc trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng... Sau đại dịch, công việc thường xuyên biến động cùng xu hướng ưu tiên việc làm linh hoạt thời gian, địa điểm khiến nhiều người coi tiền BHXH một lần như vốn làm ăn khiến làn sóng ngày càng gia tăng.
Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm số lao động rút BHXH một lần. Trong đó, rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm. Bởi theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thời gian đóng dài là lý do khiến nhiều lao động không đủ kiên nhẫn, muốn rời hệ thống. Cơ quan soạn thảo tính toán sửa đổi điều kiện này sẽ giảm 10.000 - 40.000 người hưởng một lần mỗi năm.
Điều kiện rút cũng được sửa đổi theo hướng giữ nguyên như hiện hành, hoặc giải quyết 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong hệ thống để sau này lao động hưởng chế độ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ trình Chính phủ, đồng thời báo cáo xin ý kiến Quốc hội cả hai phương án trên.
Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế rất nhiều so với hưởng lương hưu. Đó là, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già; số tiền nhận về thấp hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH.