60 năm ngày châu Âu: Châu Âu ở đâu trên bản đồ thế giới?

Bình Minh 11/05/2010 00:00

60 năm trước, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman đã ra tuyên bố kêu gọi thành lập Cộng đồng than thép châu Âu, viên gạch đầu tiên của Liên minh châu Âu ngày nay. Trong khi EU vẫn băn khoăn về tương lai của mình, tầm nhìn chính trị của Robert Schuman trở nên thời sự hơn bao giờ hết.

08-chau-au-13110-300.jpg

Lễ kỷ niệm ngày ra đời Tuyên ngôn của Robert Schuman, văn kiện được Ngoại trưởng Pháp công bố ngày 9.5.1950 tại Quai d’Orsay, diễn ra vào thời điểm tình trạng “bệnh nhân Hy Lạp” trở nên tồi tệ nhất. Cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao Pháp tổ chức ngày 7.5 với tham vọng giúp các nước châu Âu thấu hiểu vị trí của lục địa cũ trong hệ thống quốc tế. Phải chăng lục địa già nua này xứng đáng được phần còn lại của thế giới thu nhận?

Là chảo lửa của cả hai cuộc chiến tranh thế giới, châu Âu và người dân châu lục này hiểu rõ sự sống còn phải xây dựng một nền hòa bình, ổn định và phát triển bền vững giữa các quốc gia trong châu lục. Nỗi ám ảnh về những tội ác khủng khiếp trong chiến tranh, và bối cảnh sau Chiến tranh thế giới II, với “bức màn sắt” chia cắt châu Âu, “Chiến tranh lạnh” chia hai phần thế giới cùng nhiều cuộc xung đột cục bộ, nguy cơ nảy sinh một cuộc chiến mới toàn cầu... khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải tìm kiếm hợp tác. Ngoại trưởng Pháp R. Schuman là người đã nêu ra ý tưởng và đề xuất lần đầu tiên trong bài phát biểu nổi tiếng ngày 9.5.1950.

Bắt đầu bằng tuyên bố: “châu Âu đã không được sinh ra. Châu Âu bị lâm vào chiến tranh”, Ngoại trưởng Pháp Schuman đã kêu gọi hợp nhất các ngành công nghiệp của Pháp và Đức, và đề xuất đặt than và thép -hai nguồn nguyên liệu chủ yếu của nền kinh tế lúc đó và là đầu vào thiết yếu cho sản xuất quân nhu phục vụ chiến tranh- dưới một cơ quan quản lý chung của châu Âu. Ý tưởng này đã dẫn tới sự hình thành Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) theo Hiệp ước Paris năm 1951, gồm 6 nước thành viên sáng lập là Pháp, Đức, Italy và 3 nước Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg). Con tàu châu Âu bắt đầu được hạ thủy, chờ ngày nhổ neo ra khơi. Và để kỷ niệm sự kiện này, ngày 9.5 đã được chọn là Ngày châu Âu.

Khai mạc cuộc hội thảo mang chủ đề “châu Âu trong con mắt thế giới” nhân Ngày châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner thừa nhận: “Cảm hứng là giống nhau, nhưng tình hình không phải như vậy”. Thách thức đã thay đổi đáng kể. Quốc phòng châu Âu là một thực tế. Quốc phòng là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại và an ninh chung của châu Âu, song nền quốc phòng chung châu Âu vẫn còn trong quá trình xây dựng và phải tiếp tục. Các chính sách ngân sách và tài chính phải được phối hợp hài hòa. Đối với nền chính trị châu Âu, Mỹ và Nga vẫn luôn tự hỏi số điện thoại của châu Âu là số nào?

Quốc vụ khanh Pháp phụ trách vấn đề EU, ông Pierre Lellouche khẳng định, nền hòa bình giữa 27 nước thành viên EU là có thực, nhưng cần phải “chấm dứt việc tiếp nhận sự tự mãn”. Hôm qua, châu Âu tự coi mình là trung tâm của thế giới, nhưng ngày mai, châu Âu sẽ không là gì ngoài việc chỉ còn là khu vực ngoại vi”. Đó là điều mà hầu hết các chuyên gia nhóm họp trong một gian phòng tại Quai d’Orsay, gần Salon de l’Horloge, nơi Robert Schuman đã tổ chức họp báo ra Tuyên ngôn nổi tiếng cách đây 6 thập kỷ, không thể không thừa nhận.

Tuy nhiên, đối với nửa bên kia bờ Địa Trung Hải, EU gợi lên sự thờ ơ hơn là sự khâm phục thực sự. Giám đốc trung tâm Cahiers de l’Orient, ông Antoine Sfeir cho rằng: “Với Maghreb, EU đồng nghĩa với các chính sách trợ cấp. Với Machrek và Levant, châu Âu không tồn tại”. Vai trò của châu Âu, cụ thể là EU, trong tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine giảm xuống mức tối thiểu, thông qua nhóm “Bộ Tứ” do Mỹ, Nga và LHQ lập ra. Và chính sách mà họ áp dụng với Chính quyền Palestine đã hoàn tất mối hoài nghi trong dư luận Ảrập.

Vì lẽ đó, người ta phải quẳng một đứa trẻ đi cùng với nước tắm và chiếc bồn tắm? Có lẽ không phải như vậy. Mikhail Zygar, người phụ trách chuyên mục chính trị của tạp chí “Newsweek” tiếng Nga, thừa nhận: Nếu Nga không thích nói về “những giá trị châu Âu”, cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy người Nga đến chỗ không thể không nhận thấy điều đó. Châu Âu được coi như một nơi nương tựa an toàn.

“Châu Âu liệu có được đếm xỉa tới?”. Cựu Đại sứ Israel tại Paris, Elie Barnavi cố tình khiêu khích khi đặt câu hỏi này. Có, đó là câu trả lời của Simon Serfaty, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington. Theo ông, Mỹ chưa bao giờ được như châu Âu ngày nay. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn gây tranh luận. Một số nhà quan sát lấy làm tiếc vì sự thiếu quan tâm của nhiều đời Tổng thống Mỹ đối với lục địa già. Chỉ có điều sự tiếc nuối này ít được biểu lộ.

Châu Âu ít bản sắc nhất khi mang mô hình của EU với một thể chế đang lâm vào khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng có thể đẩy các nước thành viên phá vỡ các cơ quan mà chính họ đã góp phần lập nên. Vì vậy, mong muốn của Pháp là từng bước chuyển trung tâm đưa ra những quyết định lớn của EU từ Ủy ban châu Âu cho Hội đồng châu Âu -cơ quan tập hợp 27 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ- và trên cơ sở đó, Paris hy vọng nâng cao tiếng nói và vị thế của EU trên thế giới. Liệu khi đó Nhà Trắng sẽ tìm thấy trong danh bạ số điện thoại của Brussels hay EU có thể khoanh bút bi vào vị trí của họ trên bản đồ chính trị-kinh tế-an ninh thế giới?

    Nổi bật
        Mới nhất
        60 năm ngày châu Âu: Châu Âu ở đâu trên bản đồ thế giới?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO