Nữ họa sĩ Mộng Bích

60 năm bền bỉ ghi chép vẻ đẹp cuộc sống

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:22 - Chia sẻ
Không quan tâm đi tìm dấu ấn cá nhân theo thời thế, đứng ngoài các xu hướng nghệ thuật, 60 năm theo đuổi hội họa, dù ở thời kỳ nào, sống trong mái nhà đơn sơ nơi chiến khu, khu tập thể cũ kỹ ngoài bờ sông hay tại làng quê yên bình, nữ nghệ sĩ Mộng Bích vẫn vẽ những gì mà bà cho là đẹp... Những nét đẹp giản dị nhưng đậm hơi thở cuộc sống được bà lưu giữ trong các tác phẩm của mình.

Vẽ không theo thị hiếu

“Từ nhỏ, tôi đã rất yêu thích hội họa và mong muốn trở thành họa sĩ. Nhưng mãi cho đến khi từ Việt Bắc trở về sau kháng chiến, tôi mới được tiếp xúc với hội họa” - họa sĩ Mộng Bích chia sẻ.

Ở tuổi 90, nữ họa sĩ vẫn vẹn nguyên tình yêu với hội họa

"Triển lãm là câu chuyện của một phụ nữ trẻ hiếu kỳ và sáng tạo đi khắp Việt Nam, câu chuyện của một phụ nữ chín chắn hơn kể về gia đình và bạn bè mình, câu chuyện của một phụ nữ có tuổi thuật lại những cuộc hội ngộ trong đời… Câu chuyện bà kể cho chúng ta nghe ấy còn vang mãi trong lịch sử thế kỷ XX và XXI, chừng nào nó vẫn hội ngộ những số phận đặc biệt và những cá tính khác nhau, tất cả ráp lại như bức tranh ghép hình, làm sáng tỏ hơn nữa xứ sở Việt Nam, ở giữa hai thế kỷ".

Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon

Dù có tình yêu như vậy, nhưng con đường đến với hội họa của bà không hề dễ dàng. Thời chiến tranh, lại vừa học vừa nuôi con, trong ký ức của nhiều người, bà nổi tiếng vì sự vất vả, tần tảo. Ở tuổi 90, bà nhớ lại: “Học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, mọi người mơ ước vẽ sơn dầu vì nghĩ vẽ sơn dầu mới giỏi, và không phải ai cũng được chọn vẽ sơn dầu. Ban đầu, tôi cũng được chọn, nhưng lúc đó đang chiến tranh, phải sơ tán, một nách 2 con nhỏ. Hơn nữa, sơn dầu Việt Nam lúc ấy mỗi lần vẽ phải múc ra lá khoai, hơ nóng, khó vẽ và qua nhiều công đoạn. Đi vẽ, tôi phải cắp rổ lá khoai, lá chuối, địu một bé trên lưng, một đứa bám áo mẹ. Có những hôm mưa, đường trơn, ba mẹ con vô cùng vất vả. Vì thế, tôi chuyển sang vẽ lụa...”.

Đi qua chiến tranh, vừa kiếm sống vừa học mỹ thuật, và may mắn được học những họa sĩ tuyệt vời như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái… nữ họa sĩ sớm có tranh đoạt giải trong triển lãm của Sở Văn hóa Liên khu Việt Bắc tại Thái Nguyên năm 1960. Nhưng vì nhiều lý do, cho tới nay, bà ít được công chúng biết đến, cho dù đã ở tuổi 90. “Là họa sĩ của báo Độc lập, nhưng chồng đau ốm, con nhỏ, chỉ làm việc của cơ quan, điều kiện sống không ổn định, tôi không có nhiều thời gian sáng tác, việc triển lãm cũng không bao giờ nghĩ tới” - nữ họa sĩ giải thích.

Cho tới cuối những năm 1980, họa sĩ Mộng Bích mới có nhiều thời gian đi thực tế, và đến những năm 1990, bà mới có thời gian cho mình, chăm chỉ đi vẽ nhiều hơn. “Nghỉ hưu, tôi mới bắt đầu vẽ, đi đến đâu ký họa rất kỹ, để sau này không phải đi lại nơi đó tìm thêm chi tiết cho tranh. May mắn có những ký họa đó, sau này già rồi, không đi được nữa, tôi ngồi vẽ tranh lụa”.

Tuy chăm chỉ vẽ như vậy, nhưng bà thừa nhận là tranh của mình là “tranh ế”, vì không vẽ theo thị hiếu của người đương thời. Nhưng bà cũng cho đó là may mắn, nếu không, cứ chạy theo tranh bán được, có thể đời sống cao hơn, nhưng mất nghệ thuật…

Triển lãm "Giữa hai thế kỷ" giới thiệu các tác phẩm của nữ họa sĩ Mộng Bích đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội
Ảnh: Ngọc Phương

Vẹn nguyên với nghệ thuật

Đi qua hai thế kỷ đầy biến động của đất nước và hội họa, với tâm hồn vẹn nguyên với nghệ thuật, nữ họa sĩ Mộng Bích vẫn sống với cái hiện thực của riêng mình. Với bà, hội họa đơn giản là tình yêu với cái đẹp và thời gian kiên trì sau giá vẽ.

“Vẽ là nghỉ ngơi” và “vẽ một bức tranh mình yêu thích đã là hạnh phúc”. Bởi thế, bà được tự do vẽ những gì mình bắt gặp, yêu mến và xúc động. Sự chân thực và đầy cảm xúc ấy hiển hiện qua các bức tranh chân dung vô cùng bình dị. Từ những bà già ăn mày; nước lụt, cả khu tập thể lội ngang hông; một giàn bầu; một quãng sông... rồi chủ yếu dừng lại ở các chân dung cá nhân, thân phận, như những ông bà già người Chăm ẩn chứa một nền văn hóa đang bị lãng quên, những bà già nông thôn nét mặt đã thể hiện sự gian khổ hy sinh, gánh vác việc gia đình, đóng góp cho chiến trường sức người, sức của…

“Tôi thấy mình không phải đi tìm cái đẹp ở đâu, cái gì ở trước mắt mà mình cảm thấy xúc động, thì nó không phụ lòng mình, dù là những thứ bình dị hàng ngày như rổ rau với những bắp chuối, bắp ngô, hũ sành cái lành cái mẻ…; hay thiên nhiên bốn mùa tươi đẹp, dù là giữa nắng mùa thu trong xanh, hay trong ngày gió đến bão về, cây cối cũng có những điệu vũ khác nhau, chỉ tái tạo được chúng đã là điều tuyệt vời. Thiên nhiên, những nhân vật đã gặp, đi vào tranh đã chắp cánh cho tôi làm nên các tác phẩm của mình…”.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng nhận định: “Đến năm 1995, họa sĩ Mộng Bích có chỗ riêng trong hội họa, không cũ, cũng không mới, vì bà không theo đuổi một thứ hình thức nghệ thuật thuần túy, cũng không quan tâm đến cách tân, chỉ cố gắng làm tốt những gì đã có, thậm chí đã cũ, quan trọng nó là cuộc sống của chính mình. Bà không đem đến điều gì mới về ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng tranh bà hết sức ám ảnh về thân phận, nó làm ta suy ngẫm về kiếp người, sự sinh trưởng của tính cách từ cá nhân đến xã hội”.

Gìn giữ, nâng niu những bức tranh ấy, và trưng ra mỗi khi có khách quý. “Khi bà lấy ra những cuộn tranh, khi bà mê mẩn trải chúng, thì bao bức chân dung, bao bức phong cảnh, làng mạc bà vẽ là bấy nhiều cuộc trở về với quá khứ được bà tiết lộ. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một giai thoại, một kỷ niệm thường là chuẩn xác như thể được in trực tiếp từ ký ức của bà” - Tùy viên Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội Thierry Vergon chia sẻ về sự tình cờ gặp gỡ những tác phẩm của nữ họa sĩ Mộng Bích. Đó cũng là cái duyên để những người bạn Pháp tổ chức triển lãm "Giữa hai thế kỷ" giới thiệu các tác phẩm của bà, khai mạc chiều 22.10. Triển lãm lần đầu tiên sau một hành trình dài, mà bà vẫn gọi là một “giấc mơ”, giấc mơ gói ghém 60 năm bền bỉ với hội họa.

Ngọc Phương