60 năm bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng

Gs Hoàng Chương 27/12/2012 08:33

Cách đây 60 năm, tại thị trấn Bồng Sơn, Bình Định, trong một đêm im tiếng súng, bỗng nổi lên rộn rã tiếng trống, tiếng kèn tuồng khiến đồng bào náo nức kéo tới vây quanh sân khấu. Đó là đêm biểu diễn ra mắt Đoàn tuồng Liên khu V, nơi tập hợp những tài năng hát bội từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...

Trong mấy đêm liền, các nghệ sỹ toàn Liên khu đã diễn: Gương liệt nữ, Tam nữ đồ vương Chị Ngộ, cả ba vở đều tập trung biểu dương, ca ngợi những tấm gương yêu nước cao cả của phụ nữ Việt Nam, đồng thời lên án bọn cướp nước và bọn bán nước. Cũng trong dịp này, Đoàn tuồng Liên khu V (LK5) còn diễn cả vở tuồng hài Nghêu - Sò - Ốc - Hến đả kích bọn quan lại, hào lý ô trọc chuyên ức hiếp dân lành, được bộ đội và nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh. Sau buổi diễn ra mắt, Đoàn tiếp tục lên đường biểu diễn, hết đồng bằng đến miền núi để đáp ứng lòng hâm mộ của đồng bào và bộ đội trong khi kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn phản công dồn dập.

Hòa bình lập lại, tháng 10.1954, Đoàn tuồng LK5 tập kết ra Bắc được mấy tháng, chưa kịp ổn định, lại quay ngược về miền Nam biểu diễn phục vụ đồng bào trong 100 ngày chuyển quân, rồi một lần nữa lại rời cảng Quy Nhơn xuống tàu ra Bắc, đóng quân giữa lòng Thủ đô Hà Nội kéo dài tới 20 năm. Trong những năm đầu ở miền Bắc, Đoàn tuồng LK5 được sự quan tâm của Bác Hồ và Chính phủ nên phát triển rất nhanh, cả về đội ngũ và xây dựng tiết mục mới. Đoàn phục hồi được hàng chục vở tuồng cổ và nhiều vở về đề tài lịch sử, đề tài hiện đại. Ngoài ra, đoàn còn làm cả công việc nghiên cứu tuồng và đào tạo thế hệ trẻ. Đoàn tuồng LK5 còn dành biên chế để thành lập Đoàn tuồng Bắc (nay là Nhà hát Tuồng T.Ư) từ tháng 9.1959. Đã có thời kỳ, cơ quan chủ quản nhập hai đoàn tuồng LK5 và Đoàn tuồng Bắc thành Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Cảnh trong vở Võ Đình của Nhà hát Tuồng Đào Tấn
Cảnh trong vở Võ Đình của Nhà hát Tuồng Đào Tấn
Đoàn tuồng LK5 với đội ngũ diễn viên tài hoa có nghề nghiệp vững chắc đã tạo nên những vở diễn hấp dẫn và đã trở thành đơn vị nghệ thuật dân tộc mạnh ở miền Bắc. Những nghệ sỹ bậc thầy của Đoàn như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Văn Phước Khôi, Mười Chương, Đinh Quả, Võ Sĩ Thừa, Đình Bôi, Ngô Thị Liễu, Minh Đức, Đàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc… đã làm nên những vở diễn đặc sắc và mẫu mực trong ngành tuồng và cũng chính những nghệ sỹ tài năng này đã đào tạo ra một đội ngũ diễn viên trẻ hùng mạnh, cung cấp cho các địa phương có tuồng ở miền Bắc (như Đoàn tuồng Thanh Hóa) và đưa về Nam phục vụ công cuộc chống Mỹ cứu nước. Lịch sử sẽ không bao giờ quên những nghệ sỹ tuồng LK5 từ miền Bắc về đã bị Mỹ - Ngụy bắt bỏ tù và tra tấn đủ nhục hình trong suốt 7 năm trời, nhưng họ vẫn sống và trở lại với sân khấu tuồng cách mạng, trong đó có Võ Sĩ Thừa, Kim Hùng, Trương Văn Trí, Lưu Hạnh, Nguyễn Cung Nginh, Hải Liên... Chính những nghệ sỹ - chiến sỹ này đã sáng tác và biểu diễn tuồng trong nhà tù Mỹ ngụy ở Phú Quốc và ngay sau khi ra tù, đã mang về cho Đoàn tuồng LK5 - Nhà hát tuồng Đào Tấn những sáng tác có giá trị như Ngục lửa, Con chó vện...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn tuồng LK5 được trở về với khúc ruột miền Trung, mảnh đất sinh ra mình, rồi sau đó dừng chân ở cái nôi tuồng Bình Định và trở thành Nhà hát tuồng Nghĩa - Bình, mang tên Đào Tấn, vị hậu tổ của nghệ thuật tuồng. Cuộc hồi hương lịch sử này không phải tất cả đều thuận buồm xuôi gió, khi trong những ngày đầu, một số nghệ sỹ cao niên ở đất Quảng đều quay trở về Đà Nẵng và một số ngôi sao như Đàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc lại xin ra miền Bắc vì hoàn cảnh gia đình... Sự hẫng hụt này không thể bù đắp được trong một sớm một chiều nếu không có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Nghĩa - Bình. Một lực lượng nghệ nhân tên tuổi ở ngay trên đất Bình Định, như: Hoàng Chính, Tư Cá, Long Trọng, Ngọc Cầm, Lệ Suyền... được quy tụ về. Họ không những lấp lỗ hổng trên sân khấu, mà còn phục hồi được nhiều vở tuồng cổ giá trị và đào tạo ra một lớp diễn viên trẻ tài năng như: Phương Thảo, Xuân Hợi, Minh Ngọc, Tuyết Mai, Văn Vỹ, Thanh Sử, Lệ Quyên... Cũng nhờ có lực lượng nghệ sỹ hùng hậu mà Nhà hát tuồng Đào Tấn đã dựng diễn được nhiều tiết mục mới, gây tiếng vang như: Quang Trung đại phá Quân Thanh, Nàng Sơ-kun-tơ-la, Sáng mãi niềm tin, Sao Khuê trời Việt, Bùi Thị Xuân, Trời Nam, Cội nguồn, Mộng bá vương...

Hầu hết các liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc, Nhà hát tuồng Đào Tấn đều giành được giải cao, cả về vở diễn và diễn viên. Có vở được vinh dự diễn cho Ban chấp hành T.Ư Đảng xem như vở Quang Trung đại phá quân Thanh diễn tại Hội trường Ba Đình tối 4.2.1980 (riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn về tận Bình Định xem vở tuồng này vào ngày mồng 4 Tết Bính Ngọ). Tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Tố Hữu còn trực tiếp góp ý kiến cho vở tuồng này để có thể diễn thường xuyên và quay thành phim, phục vụ rộng rãi người xem trong và ngoài nước.

Một thành tích nổi bật của Nhà hát tuồng Đào Tấn là phục hồi được một số vở tuồng hay của Đào Tấn và của Nguyễn Diêu, cùng một số vở tuồng nổi tiếng khác như Tam hạ nam đường, Giang tả cầu hôn, Phạm Công - Cúc Hoa và vở Đông Lộ Địch của Ưng Bình - Thúc Giạ Thị. Nhà hát còn làm được công trình nghiên cứu âm nhạc tuồng do các nhạc sỹ Đào Duy Kiền, Nguyễn Gia Thiện thực hiện, và những công trình nghiên cứu có giá trị của Vũ Ngọc Liễn, đồng thời phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức một số hội nghị, hội thảo về tuồng Đào Tấn, tuồng Nguyễn Diêu...

Tuy vậy, những gì mà Nhà hát khai thác chưa tương xứng với tiềm năng di sản tuồng hiện có trên đất Bình Định, nhất là di sản tuồng Đào Tấn, tuồng Nguyễn Diêu. Trong khi đó, Nhà hát lại đầu tư quá nhiều công sức cho việc chạy theo xây dựng tiết mục mới đề tài hiện đại, mà muốn làm mới thì phải mời tác giả mới, đạo diễn mới, những người chưa hiểu mấy về đặc trưng tuồng, nhất là tuồng LK5 và tuồng Đào Tấn, dẫn đến phá tuồng hơn là xây dựng tuồng truyền thống đúng nghĩa. Nếu không được bảo tồn đầy đủ thì trong tương lai không xa đặc trưng, bản sắc tuồng sẽ biến mất và chỉ còn lại kịch tuồng như ta thấy đâu đó hiện nay.

Để xứng danh Nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn, con chim đầu đàn có tuổi đời cao nhất của ngành tuồng, phải giữ cho được truyền thống tuồng LK5 và nhất thiết phải theo phong cách tuồng Đào Tấn từ sáng tác đến biểu diễn và âm nhạc...

    Nổi bật
        Mới nhất
        60 năm bảo tồn, phát huy nghệ thuật tuồng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO