Công bố quốc tế tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về nghiên cứu cơ bản, thể hiện qua số lượng và chất lượng các công trình khoa học được công bố hàng năm liên tục tăng và thuộc top đầu các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Mỗi năm, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp gần 2.000 bài báo theo chuẩn ISI và Scopus, gần 100 sáng chế, giải pháp hữu ích, 15 sản phẩm chuyển giao và khởi nghiệp. Đây là nền tảng giúp gia tăng uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tư vấn chính sách cho các cơ quan Trung ương, hợp tác với đối tác triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, số lượng công bố thuộc danh mục WoS/Scopus tăng dần theo các giai đoạn. Theo Báo cáo thường niên của ĐHQGHN năm 2023, 6 tháng đầu năm 2023, các nhà khoa học ở ĐHQGHN đã công bố 709 bài báo quốc tế. Nhưng sang 6 tháng đầu năm 2024, các nhà khoa học đã công bố 901 kết quả nghiên cứu trong CSDL thư mục khoa học Scopus và Web of Science, tăng 200 công trình so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, TS. Chu Đình Tới (Trường Quốc tế - ĐHQGHN) vẫn thể hiện sự xuất sắc trong nghiên cứu khi tăng thêm 5 công bố (25 so với 20 của tháng 5.2024).
Bên cạnh đó, TS. Phạm Thành Luân (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cũng có thêm 5 công trình trong tháng 6, đưa tổng số kết quả nghiên cứu lên con số 14. TS. Dương Văn Hào (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật) cũng rất xuất sắc khi đạt 11 kết quả nghiên cứu.
Cũng trong tháng 6 ghi nhận sự trở lại của GS. Nguyễn Đức Khương (Trường Quốc tế - ĐHQGHN) khi công bố 8 kết quả nghiên cứu. Chất lượng công bố Q1 & Q2 tính đến thời điểm này là 68,8%.
Chủ đề nghiên cứu tập trung về Khoa học xã hội
Theo đại diện ĐHQGHN, chủ đề nghiên cứu về Khoa học xã hội tăng trưởng tốt, đã lọt vào TOP 5 chủ đề nghiên cứu. Đây là một trong 4 nhóm lĩnh vực chính góp phần định hướng và quy hoạch các nhóm sản phẩm KH&CN của Nhà trường. Điều này đã thể hiện sự quan tâm đầu tư của các đơn vị đào tạo, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực này.
Trong số này, Ban biên tập cung cấp thông tin thử nghiệm profile các nhà khoa học kết xuất từ ứng dụng thử nghiệm Pure của nhà xuất bản Elsevier. Ứng dụng Pure nhằm hỗ trợ các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm và các nhà quản lý về Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội dễ dàng quản lý số lượng, chất lượng, năng suất nghiên cứu, các quy trình xét duyệt nhóm nghiên cứu mạnh, quy trình đề xuất đề bài nghiên cứu khoa học,…
Được biết, đây là một phần trong kế hoạch từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu, tiến tới chuyển đổi số toàn diện và hướng tới thực hiện thành công nghị quyết 45-NQ/TW của Đại học Quốc gia Hà Nội.