6 cơ hội và 5 thách thức

Nguyễn Cẩm Tú
Thứ trưởng Bộ Công thương
Phương Thủy ghi
22/08/2015 08:09

 Việt Nam thu được những lợi ích thiết thực từ ASEAN

Về kinh tế, Việt Nam đã thu được những lợi ích thiết thực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, ASEAN là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu, một trong số các bạn hàng lớn, nhà cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quan trọng của Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia sâu rộng vào liên kết kinh tế ASEAN đã giúp thu hút được ngày càng nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật từ bên ngoài ASEAN, nhất là của các công ty đa quốc gia, đồng thời mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nước ta. Ngoài ra, Việt Nam cũng tranh thủ được những lợi ích thiết thực từ các chương trình hợp tác ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển như Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) và Tiểu vùng Mekong.

Cơ hội rộng mở

Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tạo ra rất nhiều cơ hội cho nước ta. Vấn đề là cần tìm các giải pháp để có thể nắm bắt được tất cả các cơ hội và vận dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới. Chúng ta có 6 cơ hội lớn:

Cơ hội đầu tiên là mở rộng thị trường nội khối. ASEAN là thị trường rộng lớn, với 600 triệu dân, thu nhập quốc dân hằng năm đạt 3.000 tỷ USD. Với việc hình thành AEC, các hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ. Hàng rào phi thuế quan sẽ được cắt giảm. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động... sẽ lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo tiền đề, sức mạnh kinh tế cho cả khối ASEAN. Điều này sẽ giúp hình thành các khu vực thị trường, khu vực liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm chi phí, mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường cho các nước thành viên, trong đó có nước ta.

Cơ hội thứ hai, AEC sẽ là khu vực giao thoa của nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực, đồng nghĩa với việc tham gia AEC sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với không chỉ các thị trường trong khu vực mà còn là các thị trường rộng lớn hơn. Trước hết là những đối tác lớn của ASEAN như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ... thông qua các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với các đối tác.

Tự do hóa dịch vụ trong ASEAN là cơ hội thứ ba khi Việt Nam tham gia AEC. Đây sẽ là cơ hội để các ngành dịch vụ nước ta phát huy tiềm năng và lợi thế phát triển tại thị trường trong nước và khu vực, nhất là những ngành dịch vụ quan trọng như du lịch, hàng không, logistics... Đồng thời cũng sẽ tăng sức ép cạnh tranh đối với các ngành dịch vụ trong nước, buộc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải nâng cao hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của mình.

Cơ hội thứ tư là tự do hóa đầu tư. AEC sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường ASEAN cũng như thị trường nước ta đối với các nguồn đầu tư trong và ngoài khu vực. Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục thu hút được các nguồn đầu tư chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế trong nước, phục vụ thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, trước hết là các nước trong khu vực ASEAN.

Nguồn: vietstock.vn
Nguồn: vietstock.vn

Thứ năm, AEC sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cải thiện cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư đầu vào, tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, có kỹ năng từ các nước khác trong ASEAN bổ sung vào nguồn lực sẵn có, khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao hiện nay của đất nước.

Thứ sáu, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế đang chuyển đổi của nước ta có điều kiện hơn để tham gia hội nhập với khu vực và tự do hóa toàn cầu, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thách thức không nhỏ

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức là hai mặt của một vấn đề. Đây chính là sự thống nhất của hai mặt đối lập trong hội nhập. Cho nên, bên cạnh cơ hội, nước ta còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những thách thức lớn.

Đó là thách thức về khả năng hoàn thành các biện pháp mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN phải thực hiện trước khi hình thành. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà các nước thành viên khác cũng đang gặp phải. Đối với Việt Nam, trong số 5% các giải pháp cần phải thực hiện, chúng ta có 3 nhóm giải pháp lớn: dịch vụ, giao thông vận tải và phát triển hạ tầng. Từ nay đến mốc 31.12, chúng ta phải hoàn thành tất cả các giải pháp này để hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đó là thách thức về việc phải nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Có như vậy, mới tận dụng được tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Đó là thách thức từ sự gia tăng các liên kết thương mại khu vực và thế giới. Thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp nước ta cần nắm bắt và hiểu các cam kết đặt ra trong tất cả các hiệp định Việt Nam đã ký kết với các nước cũng như các đối tác trong khu vực và các đối tác song phương. Có như vậy, mới tận dụng hết các lợi thế của từng hiệp định thương mại tự do, tránh được các thách thức do sự trùng lặp cam kết của chúng ta trong các hiệp định này.

Đó là thách thức về các nước thành viên chậm phát triển hơn trong ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh (hàng hóa, dịch vụ...) từ những nước lớn và mạnh hơn trong ASEAN sau năm 2015. 

Đó là thách thức về thị trường lao động sẽ từng bước mở cửa, cho phép lao động có kỹ năng từ các quốc gia thành viên dịch chuyển thuận lợi hơn vào nước ta. Điều này có thể dẫn đến việc một bộ phận lao động trong nước thiếu việc làm.

 Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật,
tạo thuận lợi cho hội nhập khu vực và quốc tế

Bộ Ngoại giao kiến nghị QH cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong tham gia hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); cùng QH các nước ASEAN khác hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ và vững mạnh.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để tạo thuận lợi cho hội nhập khu vực và quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các luật lệ, quy định trong nước cho phù hợp để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận của ASEAN.

Thúc đẩy và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét lồng ghép phù hợp các cam kết, thỏa thuận của ASEAN vào các chương trình quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ASEAN.

    Nổi bật
        Mới nhất
        6 cơ hội và 5 thách thức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO