Cúm là căn bệnh thường gặp về đường hô hấp do virus gây nên. Bệnh lây lan nhanh và thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau nhức, ho khan, mệt mỏi,… tùy vào thể trạng của mỗi người, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày cho đến vài tuần.
Đa số các trường hợp cúm không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể duy trì cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh có thể gây khó chịu, mệt mỏi kéo dài cho người bệnh. Điều trị đúng cách có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, người bệnh mau phục hồi sức khỏe hơn.
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Trường Giang – Hệ thống tiêm chủng VNVC gợi ý, một số cách chữa cúm hiệu quả tại nhà giúp nhanh khỏi bệnh như sau:
Uống thuốc trị cúm
Sử dụng thuốc trị cúm trong trường hợp người bệnh muốn giảm nhanh các triệu chứng cúm hoặc khi tình trạng bệnh tiến triển xấu đi khi trị cúm tại nhà. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc kháng sinh có tác dụng giảm đau hoặc giảm viêm thường có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn lên một số cơ quan khác.
Do đó, người bệnh nên được chỉ định dùng thuốc từ các bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Một số loại thuốc dùng chữa cúm tại nhà phổ biến có thể kể đến như: Paracetamol, Aspirin, Codein, Ambroxol, Natribenzoat, Diphenhydramine, Ibuprofen, Phenylephrine, Fexofenadine, Loratadine
Để cơ thể nghỉ ngơi
Trong quá trình điều trị cúm tại nhà, bệnh nhân nên giảm tối đa lượng công việc nặng hay phải đi lại ngoài trời nhiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn để tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.
Hãy chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu cảm thấy mệt mỏi, không muốn tập thể dục thì đừng quá gắng sức, không cố giải quyết những công việc hàng ngày khi triệu chứng cúm đang trầm trọng.
Bên cạnh đó, đừng thức quá khuya, hãy ngủ đủ giấc. Chu kỳ giấc ngủ hợp lý là “chìa khóa” để hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Hãy ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm cả khi bệnh và khi khỏe mạnh.
Tăng độ ẩm cho môi trường xung quanh
Virus cúm tồn tại lâu hơn ở không khí khô. Điều này khiến virus lây lan nhanh và dễ dàng hơn. Đặc biệt vào mùa lạnh, nhiệt độ ngoài trời lạnh làm giảm độ ẩm trong không khí. Không khí trong nhà có thể bị khô do sử dụng hệ thống sưởi hoặc điều hòa không khí.
Mọi người hãy sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng thêm độ ẩm trong nhà và nơi làm việc, giúp giảm virus cúm trong không khí - đây là cách chữa cúm tại nhà hiệu quả. Ngoài ra, không khí ẩm giúp người bệnh giảm các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng.
Trong trường hợp chưa có máy tạo độ ẩm tại nhà, mọi người có thể bật vòi sen với nước nóng và ngồi trong nhà tắm để hít thở không khí trong vài phút.
Súc miệng, vệ sinh mũi với nước muối
Nước muối loãng có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng cao. Súc miệng bằng nước muối khi bị cúm còn giúp loại bỏ chất nhầy tích tụ sau cổ họng, đặc biệt là khi thực hiện động tác ngửa cổ súc miệng. Nếu kiên trì súc nước muối trong nhiều ngày liên tiếp giúp giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ, viêm nhiễm cổ họng.
Xông hơi để chữa bệnh cúm tại nhà
Nếu muốn đường thở thông thoáng, ngoài dùng thuốc điều trị, mọi người có thể đun một nồi nước sôi để xông mũi.
Bằng cách đun sôi nước, mang đến nơi thoáng mát, dùng chiếc khăn trùm đầu, nhắm mắt lại và ngả người về trước để hơi nước bốc lên mặt. Ngồi yên và hít thở sâu trong vòng 30 giây. Sau khi nước xông đã nguội tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo, đắp chăn rồi nằm nghỉ.
Cụ thể, mọi người có thể áp dụng phương pháp xông lá để gia tăng hiệu quả, với các nguyên liệu sau: Lá tre, lá sả, lá bưởi, tía tô, ngải cứu, hương nhu, bạc hà mỗi thứ 10 – 20g hoặc một nắm to. Lá tre có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sát khuẩn; sả có công dụng làm ấm bụng, sát khuẩn, khử uế, tiêu đờm; lá bưởi giải cảm tiêu thực, trị ho, sốt, đau đầu; hương nhu trị cảm, sốt, nhức đầu, làm ra mồ hôi; tía tô khu phong trừ hàn; bạc hà sát khuẩn, chống viêm.
Trừ lá bạc hà, tất cả các loại lá còn lại rửa sạch rồi cho vào nồi xâm xấp nước, đun lửa sôi trong khoảng 10 phút. Khi chuẩn bị xông, cho bạc hà vào rồi đun tiếp 1-2 phút.
Uống nhiều nước để chữa cúm nhanh nhất
Cúm có thể khiến cơ thể mất nước nếu đi kèm triệu chứng nôn mửa, tiêu chảy. Do đó, mọi người hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể với nước lọc, nước trái cây hoặc đồ uống bổ sung chất điện giải. Đặc biệt, trà thảo dược mật ong có thể làm dịu cơn đau họng.
Bên cạnh đó, nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Đồng thời, cần quan sát màu sắc của nước tiểu, khi nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu chứng tỏ cơ thể đã được cung cấp đủ nước.