58 nội dung vướng mắc cần tháo gỡ

- Thứ Sáu, 16/11/2018, 11:26 - Chia sẻ
Là nhận định của đại diện các Cục, chi cục Thi hành án dân sự (THADS) tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 62/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự, do Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp đã tổ chức ngày 15.11. Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chủ trì hội nghị.

Kết quả 3 năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cho thấy, nghị định đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; cán bộ, công chức trong hệ thống THADS ngày càng được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động này; trình tự, thủ tục thi hành án được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức được nâng lên. Đặc biệt, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã hướng dẫn, bổ sung 11 nội dung mới so với 3 Nghị định trước đó. Trong đó có quy định đã giúp các cơ quan THADS địaphương giải quyết được những vướng mắc, tồn tại trong quá trình tổ chức thi hành án như bỏ cơ chế trả đơn yêu cầu thi hành án; không yêu cầu đương sự phải chứng minh điều kiện thi hành án để yêu cầu thi hành án trở lại như trước đâynên sau ngày 1.7.2015 đương sự sẽ thực hiện quyền yêu cầu thi hành án trở lại theo quy định hiện hành; quy định sửa đổi mức phí thi hành án…

Bên cạnh những kết quả nêu trên, quá trình thi hành Nghị định 62/2015 cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc. Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn cho biết, qua báo cáo của các cơ quan THADS địa phương, qua kết quả tổng hợp đến nay có 58 nội dung khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP mà cơ quan THADS địa phương còn chưa thống nhất được cách hiểu và biện pháp giải quyết do Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể hoặc quy định của Nghị định đã bị hết hiệu lực. Trong 58 nội dung khó khăn, vướng mắc có 18 nội dung là những khó khăn, vướng mắc không hướng dẫn được ngay mà cần có thời gian nghiên cứu và đề xuất đến cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế như, từ chối yêu cầu thi hành án dân sự; ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án; vụ việc chưa có điều kiện thi hành đưa vào sổ theo dõi riêng; phân chia, xử lý tài sản chung; ủy thác tư pháp…

Tại hội nghị cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất như đề nghị Chính phủ đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP vào Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương việc thống nhất phương pháp giải quyết đối với những khó khăn, vướng mắc và trong quá trình đề nghị cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật THADS. Tuy nhiên, trong quá trình chờ sửa đổi, bổ sung được các vướng mắc, khó khăn nêu trên, Tổng cục THADS tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đồng thời kịp thời hướng dẫn cho các Cục, chi cục địa phương.

Tin và ảnh: Đình Khoa