55 năm thực hiện lời căn dặn tâm huyết của Người

TS. CHU ĐỨC TÍNH  - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị trong một thời gian dài, từ năm 1965 - 1969, vào lúc minh mẫn, sáng suốt. Người đã đi xa, nhưng bản Di chúc mãi là cương lĩnh hành động trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Lịch sử càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn giá trị, tầm vóc lớn lao của tác phẩm bất hủ này.

Di chúc là văn kiện quan trọng nhất, là tài sản tinh thần vô giá trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ người Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước, về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh, về chiến lược con người, về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, về tình đoàn kết quốc tế...

Là văn kiện cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế, Di chúc như sự tổng kết những quan điểm tư tưởng, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư và những điều Người mong mỏi, hy vọng. 55 năm qua, dưới sự lãnh đạo quyết đoán, sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu vĩ đại. Về cơ bản, có thể thấy rất rõ rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã và đang làm theo Di chúc, giữ trọn lời thề trước Anh linh Người.

Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc không những thể hiện dự báo thiên tài và niềm tin tuyệt đối của Người vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, mà còn thể hiện tấm lòng, tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam ruột thịt. Người dặn và hoàn toàn tin tưởng rằng: Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.

55 năm thực hiện lời căn dặn tâm huyết của Người ảnh 1
"Di chúc" là tài sản tinh thần vô giá trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ người Việt Nam. Nguồn: hochiminh.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh nung nấu và kiên trì mục tiêu một nước Việt Nam độc lập và đi lên Chủ nghĩa xã hội: Điều mong muốn cuối cùng của Người là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Trải qua 20 năm chiến đấu gian khổ, với đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước ta đã quét sạch quân xâm lược, non sông thu về một mối, cả nước Việt Nam thống nhất và đi lên Chủ nghĩa xã hội, thỏa lòng mong ước của Người.

Về Đảng cầm quyền chỉnh đốn Đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng là nội dung cốt lõi của Di chúc. Không phải ngẫu nhiên, Người lại nói: Trước hết nói về Đảng; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng và cho đến trước lúc đi xa, vấn đề xây dựng một Đảng cầm quyền xứng đáng với vai trò lãnh đạo cách mạng vẫn là điều Người trăn trở nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp và thống nhất với tư tưởng nhất quán của Người là độc lập dân tộc và đi lên Chủ nghĩa xã hội. Bởi vai trò lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm đưa dân tộc ta đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn là nội dung cốt lõi của các kỳ Đại hội Đảng sau này. Việc rèn luyện để giữ vững phẩm chất đảng viên luôn được Đảng quan tâm. Những năm gần đây, để làm trong sạch Đảng, Đảng ta đã kiên quyết kỷ luật, kể cả đưa ra khỏi đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất.

Tình thương yêu bao la đối với Nhân dân

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh vô bờ bến, hướng đến mọi đối tượng: thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, phụ nữ, thanh niên, nông dân... thậm chí cả những người từng là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Với mỗi giai tầng, Người đều căn dặn Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền phải làm tốt chính sách thời hậu chiến, ghi nhận công lao và tôn vinh những người có công với đất nước, quan tâm chăm sóc họ và gia đình họ, phần để hàn gắn vết thương của chiến tranh, phần để họ tiếp tục phấn đấu.

Cùng với việc đề nghị Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm lo bảo vệ môi sinh, môi trường, miễn thuế nông nghiệp cho bà con nông dân, những lời dặn về việc riêng của vị nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh cũng đậm chất nhân văn, chăm lo đến mọi người, và không ngoài khát vọng không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đây cũng là công việc được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm trong 55 năm qua. Nhờ công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, thu được những kết quả vững chắc. Tổng thu nhập quốc dân (GDP) nếu như năm 1986 có 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 nước ASEAN, thì đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau

Với các thế hệ đoàn viên, thanh niên, Người dặn: bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Điều này khẳng định tầm nhìn của lãnh tụ Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng.

Tầm nhìn đó thể hiện từ năm 1925 (Thư gửi Thanh niên), cho đến những lời ngợi khen các thế hệ đoàn viên, thanh niên trong Di chúc (1969), đồng khẳng định những trăn trở của Người, chỉ dẫn của Người về việc phải chăm lo, bồi dưỡng lực lượng kế cận cách mạng, để họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội, vừa hồng, vừa chuyên.

Thế hệ trẻ hiện nay đang phát huy vai trò xung kích trong mọi công việc, luôn xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân.

Triết lý ngoại giao“cây tre Việt Nam”

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng rằng: Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các Đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, hơn nửa thế k qua, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” - “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.

Triết lý ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, đó là mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”(Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 184).

Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp chúng ta cùng nhau ôn lại những lời căn dặn đầy tâm huyết của Người, đồng thời nhìn lại chặng đường 55 năm qua, để mỗi người, mỗi đơn vị tự xem xét, đánh giá, tự kiểm điểm lại chính mình một cách nghiêm túc, thực hiện tâm niệm: càng nhớ Bác Hồ, càng ra sức làm tốt điều Bác dạy!

_________

* Những chữin nghiênglà trích từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Văn hóa

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.

Chương trình tôn vinh nét đặc sắc của văn hóa cố đô Huế
Văn hóa

Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô

Đêm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô , với sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc truyền thống, sẽ diễn ra vào tối 19 - 20.10, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế.

Giữ truyền thống và tạo sức sống mới cho làng nghề
Văn hóa - Thể thao

Đan quyện tinh hoa và sáng tạo

Là “đất trăm nghề”, Hà Nội đang từng bước nâng tầm sản phẩm thủ công, thổi làn gió mới vào giá trị truyền thống; sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo hiện đại không chỉ giúp bảo tồn bản sắc thủ đô, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tìm lại sức sống cho làng nghề.

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô
Văn hóa

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô

Đình Đông Thành hay còn gọi là Chân Thiên Quán được khởi dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Xưa thuộc thôn Đông Thành Thị tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay Đình tọa lạc tại số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng
Văn hóa

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 86 bức ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (Anh) chụp từ năm 1992 - 2012, được trưng bày tại Triển lãm nhiếp ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ”, giúp người xem cảm nhận, hiểu hơn một giai đoạn biến chuyển của Hà Nội.